Góc Công Sở

Phụ nữ lấy chồng nên ở nhà chăm gia đình hay đi làm ngoài xã hội?

 

1. “Chân yếu tay mềm”

Nói đến nội trợ, cứ như một sự dập khuôn, người ta lại nói đến những người con gái, người mẹ, người vợ, người chị trong gia đình. Từ thời cổ chí kim, phụ nữ đã được coi như là những người hậu phương cho chồng, lo toan chuyện cơm nước con cái ở nhà để chồng yên tâm công tác, làm chủ kinh tế. Người ta quan niệm rằng, phụ nữ học ít, lại chân yếu tay mềm nên chỉ phù hợp với công việc bếp núc “nhàn hạ” trong nhà. Nhưng thực tế có phải là như vậy?

Tôi xem lại những thước phim từ thời đen trắng, cái thời các bà các mẹ hẵng còn sáng nhai trầu, xắn quần lên lội ao, lội ruộng. Cái mà các cụ đang làm ấy vốn đâu phải chuyện bếp núc gia đình. Họ vẫn lao động để tạo ra của cải cho gia đình, khác biệt duy nhất giữa họ và những người chồng người cha có thể là “cái mà họ cầm về” sau những phen “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” ấy không phải là đồng bạc, đồng tiền. 

Ai bảo phụ nữ “chân yếu tay mềm”, chị “Hai Năm tấn” thời nào cũng vác phăng phăng những bao tải gạo nặng gấp mấy lần trọng lượng cơ thể chị để mang tiếp tế cho quân mình. Cho đến ngày này, tôi lại khó để mà có thể tìm thấy một công việc mà không có phụ nữ làm. Từ công nhân, xe ôm, thợ xây, … những công việc chân tay vất vả cho đến cả những công việc kỹ thuật ngỡ tưởng chỉ có “trí tuệ đàn ông” mới làm được như việc làm IT, sáng chế máy móc, việc làm kiến trúc sư vẫn có bóng dáng của những người phụ nữ. 

Tôi may mắn được học một lớp chọn từ hồi cấp 1 cho đến cấp 3. Bỏ qua cái thế hệ của tôi có tỉ lệ nam nữ thế nào, nhưng có một khẳng định rằng lớp chọn có tới nửa sĩ số là học sinh nữ. Cả những đứa bé nam, nữ, đến tồng ngồng thanh niên phổng phao đều có tiêu chí để phân loại học lực như nhau. Không có cái ưu tiên gọi là dành cho học sinh nữ hay học sinh nam phải học khá hơn. Nghĩa là trí tuệ của phụ nữ vốn ngang bằng với những người đàn ông. Đúng vậy! Chỉ số thông minh không phụ thuộc vào giới tính. 

Cho đến khi tôi lên đại học rồi ra trường, tôi mới nhận thấy là, phụ nữ hiện nay quá giỏi. Họ kiếm tiền, khởi nghiệp, làm giàu, phát minh, điều hành doanh nghiệp chẳng thua xa gì những người đàn ông. Tôi không thể đếm xuể có bao nhiêu nữ doanh nhân thành đạt, có bao nhiêu nữ bác sỹ tài năng hay có bao nhiêu số những nhà khoa học là nữ giới. Thậm chí ở một đất nước phương Đông như Việt Nam, tôi vẫn thấy những người như Hoa hậu Mai Phương Thúy đẹp cả người, đẹp cả tâm lẫn cả cái tầm trong sự nghiệp khiến ai cũng kiêng nể. 

Người ta ví phụ nữ như những bông hoa. Tôi thấy điều này đúng bởi hoa không chỉ đẹp, tỏa hương thơm mà phần lớn chúng mọc và lớn lên độc lập chả phải tầm gửi hay sống nhờ vào một cây to nào. Và cũng không ít loài hoa, sức sống của nó còn mãnh liệt hơn bất kỳ loài thực vật nào. Vậy có phải phụ nữ thật sự chân yếu tay mềm như người ta vẫn quan niệm và ái ngại ...

Phụ nữ chân yếu tay mềm

2. Tự bẻ đi đôi cánh của mình

Chị tôi là một người xinh đẹp, tài giỏi và quyết đoán. Năm 23 tuổi chị tôi trở về nước sau 5 năm du học ở một trường đại học danh giá ở Anh. Bằng thực lực của mình, chị tự tin ứng tuyển vào một tập đoàn lớn ở Việt Nam và không khó để chị vượt qua mọi vòng phỏng vấn để ngồi vào một vị trí cao lúc bấy giờ. Đàn ông xung quanh chị lúc đó không thiếu. Những người đàn ông tài giỏi, thành đạt theo đuổi chị cũng có, những người đàn ông trẻ muốn chinh phục chị cũng nhiều. Thế nhưng cuối cùng chị lại chọn một người đàn ông hết sức bình thường. Chị nói rằng chị thấy ở anh ta một ý chí nghị lực kiên cường. Và chị cho rằng chỉ anh ta mới đem lại hạnh phúc cho chị.

Lễ cưới nhanh chóng diễn ra, cả nhà tôi và bạn bè chị đều sốc khi chị quyết định nghỉ việc để ở nhà sinh con và chăm sóc cho chồng. Chồng chị khi đó cũng là một người đàn ông có trí tuệ, thời cơ đến, anh ta nhanh chóng đạt được thành công nhất định trong sự nghiệp của mình.  Những người ngoài nhìn nhận rằng, cùng thời gian đó, nếu là chị có lẽ thành công còn gấp đôi. Nhưng chị vẫn cam tâm tình nguyện “Bẻ đi đôi cánh của mình” để nép sau cái bóng của chồng.

Điều gì đến thì cũng đến, khi người đàn ông đấy đã đủ đầy về vật chất và không thiếu những người phụ nữ trẻ đẹp vây quanh, anh ta lại ruồng rẫy chính người vợ của mình - là chị tôi. Anh ta quên mất rằng, chị tôi đã cùng anh ta đồng cam cộng khổ, đã tự khước từ cơ hội của mình, đã từ chối hàng vạn người hơn anh ta để lui về làm hậu phương cho anh ta công tác. Phải vất vả lắm chị tôi mới vượt qua cú sốc đó. Nhưng vốn bản tính là một người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán và tài giỏi, chị đã nhanh chóng làm lại cuộc đời mình.

Những người như chị tôi ở ngoài kia không thiếu. Tôi gọi đó là những thiên thần tự bẻ đi đôi cánh của mình để hy sinh vì hai chữ Gia đình. Không phải họ không thể tiếp tục bay, hay đôi cánh họ đã mỏi nhừ để tìm đến một bến nương tựa. Mà chỉ bởi vì họ tin rằng mọi sự hy sinh của mình sẽ được đền đáp bằng những thứ hạnh phúc hơn sự tự do trên bầu trời. Suy cho cùng, lựa chọn từ bỏ sự nghiệp của mình đều là quyết định riêng của mỗi người phụ nữ nhưng tất cả đều xuất phát từ cái gọi là niềm tin.

Những người đàn ông, những người chồng hiểu điều đó và tôn trọng vợ mình không thiếu. Nhưng mấy ai dám đánh đổi điều tương tự như người phụ nữ đã làm. Chưa kể có những người đàn ông khi trở về nhà còn mặc nhiên chuyện nội trợ là việc của vợ mà chẳng hề chia sẻ hay đỡ đần. Sự nghiệp cũng quan trọng như tình yêu, đàn ông hay phụ nữ đều quan trọng như nhau. Vậy tại sao chỉ duy nhất phụ nữ là người phải đứng giữa ngã ba cuộc đời, chọn đi đường gia đình hay chọn lối đi sự nghiệp.

Và cứ ngỡ rằng chọn ở nhà chăm sóc gia đình là những chuyện nhẹ nhàng và thảnh thơi. Nhưng thực tế là chuyện nhà cửa, chuyện con cái còn vất vả hơn gấp bội lần. Chị tôi từ một người phụ nữ xinh đẹp, sành điệu, sau 3 năm ở nhà nội trợ đến việc sơn móng tay cũng không thể. Vì thời gian làm đẹp không có, rồi phải dọn dẹp bếp núc thường xuyên nên một bộ móng lấp lánh kiều diễm khiến chị cảm thấy “chẳng liên quan” chút nào. 

Phụ nữ nghỉ làm ở nhà như tự bẻ đi đôi cánh của mình

3. Tiếng xoong nồi vang lên hiu quạnh hay tiếng người hàn thuyên râm ran 

Có một điều tôi lấy làm buồn cười lắm đó là “hình như” các chị công sở thường trông trẻ hơn nhưng chị nội trợ ở nhà. Kỳ thay, trong khi nhiều ông chồng nói là “ở nhà sướng thây hơn” bởi khoa học cũng chứng minh là khi người ta “sướng” hẳn não bộ con người ta sẽ tiết ra Dopamine khiến chị em xinh đẹp ra. Vậy ở lý lẽ này phải chăng phụ nữ là giống loài “ngược đời”, sung sướng trong cái khổ? Còn chỉ có đàn ông là những người bất hạnh cả đi làm hẳn ở nhà cũng đều thấy khổ?

Mỗi ngày trôi qua của một người nội trợ, ngày ngày chỉ biết đến 4 bức tường, con cái cơm nước là hết ngày. Những âm thanh xung quanh họ chỉ là lẻng xẻng xoong nồi. Trong không gian hiu quạnh ấy, vậy có ai là cười được với những chiếc nồi? Nhưng chị em được đi làm thì khác, họ có những người bầu bạn, giảm stress. Và có, họ vẫn có những áp lực công việc, nhưng đổi lại họ được tư duy, điều đó khiến họ già chậm hơn. Họ cũng được tiếp xúc với nhiều người, điều đó khiến họ nắm bắt được những gì gọi là trào lưu, gọi là tiên tiến, cũng bởi thế mà họ cũng được nghĩ thoáng hơn. Tiếng người lúc này, ít ra có sự hồi đáp lại với họ chứ không phải xoảng rồi im bặt lại trong sự quẩn quanh của tâm trí nội trợ. 

Tạo hóa tạo ra phụ nữ là giống loài mang khái niệm về thẩm mỹ. Không phải tự nhiên mà người ta lại gọi chị em là phái đẹp. Đó cũng là lý do vì sao phụ nữ luôn thích làm đẹp. Họ muốn được chưng diện cái đẹp và nghe những lời tán dương từ người khác. Nhưng kỳ thực nếu chỉ ngày ngày quanh quẩn ở nhà, thì lấy đâu ra cơ hội để chưng diện những cái đó. Còn nếu chưng diện để “khoe” với xoong nồi, để cất bưng trong nhà thì đúng ra có lỗi với tạo hóa. Vậy nên việc đi làm, ra ngoài, tiếp xúc nhiều mối quan hệ mới có thể làm thỏa mãn cái nhu cầu cơ bản về cảm xúc của phái đẹp. 

Đi làm, phụ nữ được tự chủ hơn về kinh tế, không phải “ngửa tay” xin chồng từng hào từng các. Họ tự do tạo ra đồng tiền, tự tay mua sắm những thứ họ muốn, họ cần, và họ có thể tự khiến cuộc sống của họ thêm vui vẻ. Tôi chứng kiến không ít những người phụ nữ không thoát ra khỏi “địa ngục hôn nhân” bởi một lý do đó là không có tiền trang trải cuộc sống. Đó là một sự bi kịch, bi kịch đến tận cùng của việc phải nương tựa cái khiến mình đau khổ để lay lắt một cuộc sống vô cảm. 

Phụ nữ mà phải dựa dẫm vào đàn ông, phải làm lụng phục vụ cho lợi ích của chồng và đợi chồng về để phát tiền, liệu có khác gì một công nhân đi làm thuê. Khi giá trị lao động không còn, họ sẽ bị sa thải để “thay máu” bằng những người tốt hơn. Nếu ví như so sánh ấy, phụ nữ muốn có được sự tôn trọng của chồng, không phải chỉ là bảo gì làm ấy mà phải cho thấy năng lực tiềm ẩn của ẩn, và rất nhiều “nhà tuyển dụng” ngoài kia đang “săn đón” họ. Muốn vậy, phụ nữ phải tự chủ, tự chủ về hạnh phúc, tự chủ về cảm xúc và quan trọng nhất là tự chủ về tài chính của mình. 

4. Tại sao đàn ông gia trưởng lại muốn vợ ở nhà? 

Tôi nói điều này, có phần hơi phiến diện nhưng thật là, đàn ông Việt Nam vẫn còn quá nhiều người gia trưởng, gia trưởng từ hành động cho đến ít cũng ở suy nghĩ. Tôi có hỏi một người anh cũng thân thiết rằng sau này khi vợ đẻ xong anh có cho vợ đi làm lại không. Bản thân anh ấy xưa nay vẫn luôn có sự tôn trọng phụ nữ, cho nên tôi mới chơi với anh ấy đến giờ, và tôi không bất ngờ khi anh đáp lại tôi câu trả lời là có. Anh nói “Phụ nữ nên chỉ nghỉ 6 tháng theo quy định của nhà nước để đảm bảo sức khỏe sau sinh, sau đó nên đi làm lại để tiếp tục phát triển công việc của mình và giảm tải stress con cái bằng việc giao lưu với bạn bè.” 

Tôi bất giác hỏi tiếp: “Vậy khi tan làm, chuyện nhà cửa và con cái ai sẽ làm”. Tôi biết câu hỏi này nếu đưa ra, để trả lời thì đa số chàng trai vẫn tự vỗ ngực nói là mình làm. Nhưng thực sự, với một người sống thật như anh, anh chỉ rít một hơi thuốc dài và chép miệng “Có lẽ sau giờ làm anh muốn nghỉ ngơi hơn là để dỗ con vì đã quá mệt mỏi ở công ty”. “Vợ anh cũng đi làm cả ngày như anh mà, tại sao chị ấy có thể làm tiếp việc nhà còn anh lại không”, tôi hỏi câu này không phải trách móc gì anh ấy vì tôi biết anh ấy để dám thật thà trả lời. Nhưng tôi biết rằng đó vẫn là lối mòn chung trong suy nghĩ của đại đa số đàn ông Việt Nam hiện nay. 

Cả vợ và chồng đều phải vất vả kiếm tiền, song chỉ duy nhất phụ nữ là những người “không biết mệt” mà tiếp tục công việc chăm con, nấu nướng và dọn dẹp ấy sau những giờ hành chính. Thậm chí, sẽ có những ông chồng còn cho rằng khi họ cho vợ mình đi làm đã là một điều đặc ân và vợ phải “báo đáp” lại bằng việc chăm sóc cho chồng cho con sau giờ làm. Đó là một ích kỉ không tưởng của rất rất nhiều đàn ông ở trong xã hội hiện nay, nhất là những người đàn ông có học thức và thành đạt, một nghịch lý ở những người vốn được tiếp cận văn minh cởi mở hơn. 

Vợ đi làm, kiếm được ra tiền nuôi, nhiều người đàn ông cho đó là sự vô dụng của bản thân vì để vợ phải lo toan trang trải. Dù cho đó cũng là một điều tốt, nhưng nó cũng phần nào thể hiện ý thức gia trưởng đã thành lối mòn trong suy nghĩ đàn ông phong kiến, “đàn ông thì đi làm còn đàn bà thì đi chợ”. Họ cho rằng nếu đứa con của họ không có được sự quan tâm săn sóc 24/7 của mẹ thì sẽ bị thiếu thốn tình cảm hay không được giáo dục đủ đầy. Cho nên phụ nữ có nghĩa vụ phải ở nhà chăm con, nó đã thành một nếp nhăn ăn sâu vào não đó là “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Nếu đứa con chẳng may có gầy gò hay hư đốn thì đó là do những người mẹ không biết nuôi con nên người. Vậy chẳng lẽ những người làm cha không có trách nhiệm trong việc đó?

Nhiều lập luận đưa ra là “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nhưng thực chất, đàn bà vẫn có thể tự mua nhà, và đàn ông vẫn phải chung sức để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Bằng cách nào? Đó là chia sẻ cùng vợ mình những công việc nhà. Tổ ấm gia đình giống như việc giữ một tờ giấy, nếu một người cố kéo, một người thì ỉ lại thì tờ giấy đó chắc chắn sẽ rách. Vậy nên hôn nhân và gia đình muốn duy trì phải cần đến sự chia sẻ, sự đồng cảm, công bằng và tôn trọng giữa hai bên với nhau. Điều đó thể hiện qua việc: cả hai vợ chồng cùng được đi làm và cùng có trách nhiệm san sẻ công việc gia đình. 

Tại sao đàn ông gia trưởng lại muốn vợ ở nhà?

5. Phụ nữ đi làm ngoài xã hội như hoa nở ban ngày 

Tôi không hề có ý chê bai những người phụ nữ chấp nhận ở nhà nội trợ bếp núc bởi vì đó đã quá là một sự hy sinh. Thế nhưng nếu ví sự hy sinh ấy là một loài hương hoa, có lẽ nó là hương hoa quỳnh. Mùi hương ấy thơm lắm nhưng lại nở về đêm khi mà ít người có thể thưởng được. Dẫu có đặc biệt nhưng đó là một sự bất công khi cùng là hoa, cùng là cái đẹp mà người ta không thể cảm nhận nó. Vậy nên hoa nở ngày vẫn là hơn cả, phụ nữ đi làm vẻ đẹp được cảm nhận rõ hơn, rực rỡ hơn. Và đương nhiên nó sẽ càng đẹp nếu nó được người ta nâng niu và gìn giữ vẻ đẹp ấy cả đêm lẫn ngày, tưới nước, chiếu sáng cho nó bằng những tình yêu và sự trân trọng. 

Phụ nữ ra ngoài đi làm là cách giúp cho họ có thể hoàn thiện vẻ đẹp của mình hơn, từ trong tri thức, tâm hồn lẫn vẻ bề ngoài. Họ có cơ hội được giao lưu với những xu hướng, những tầng văn hóa cao hơn, từ đó họ biết thước đo cái đẹp của xã hội hiện đại mà cải thiện bản thân mình. Có một khảo sát cho thấy rằng phụ nữ ở cùng một độ tuổi, những người đi làm sẽ có xu hướng trẻ hơn và sành điệu hơn so với những phụ nữ ở nhà. Bởi vì họ có lý do để tân trang bản thân mình, có những tấm gương soi để biết mình ra sao, mà có những điều kiện để làm mình đẹp hơn.

Từ vấn đề nhan sắc đó, nó trở thành một lý do khách quan nào đó khiến cho đàn ông có vợ ở nhà nội trợ sẽ có khả năng ngoại tình cao hơn. Nó cũng rất dễ hiểu khi họ đặt so sánh nhận thấy vợ có sự “kém xuân” hơn so với những người phụ nữ xung quanh. Và đối tượng mà đàn ông chọn ngoại tình thường là đồng nghiệp, những người phụ nữ đi làm. Đây chính là nghịch lý của việc đàn ông tự giảm đi sự hấp dẫn của vợ bằng việc cấm đi làm nhưng lại chính là người từ chối vợ mình để lựa chọn đón nhận sự hấp dẫn của những người phụ nữ đi làm khác. 

Bên cạnh đó việc để phụ nữ đi làm ngoài xã hội khiến họ giảm tải những trầm cảm trong cuộc sống, khiến phụ nữ hướng ngoại nhiều hơn. Điều này rất tích cực đối với với việc nhận thức và cảm xúc của phụ nữ. Phụ nữ đi làm sẽ có khả năng chịu đựng áp lực cao hơn phụ nữ ở nhà. Không những thế, bản thân họ cũng nghĩ thoáng hơn trong mọi vấn đề khó khăn về gia đình, giảm tải việc cãi vã, bất đồng quan điểm giữa vợ - chồng, hay cha mẹ - con cái. Chưa kể việc, khi cả vợ và chồng cùng đi làm, thu nhập cũng cao lên, áp lực kinh tế của đàn ông cũng được giảm tải bớt. Tuy nhiên điều này phải đi đôi với việc san sẻ việc nhà sau giờ hành chính của đàn ông với vợ của mình. 

Suy cho cùng, dù là tự nguyện hay bị ép buộc, phụ nữ vẫn phải cố gắng để được đi làm ngoài xã hội. Đó là mưu cầu “lao động là vinh quang” của con người, là sự phát triển tất yếu của gia đình, từ đó xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh. Và nhìn ở một góc độ nào khác nữa, đó còn là cách để phụ nữ có được sự tôn trọng của mọi người và gìn giữ hạnh phúc cả đời mình. 

Phụ nữ đi làm ngoài xã hội như hoa nở ban ngày

 

Đăng ngày 18/02/2023, 156 lượt xem