Tin tức tổng hợp

UNESCO là tổ chức gì? Vai trò và mục đích hoạt động của UNESCO

1. UNESCO là tổ chức gì?

1.1. Thuật ngữ viết tắt UNESCO

Hầu hết mọi người đều đã từng được nghe qua những tin tức như Bái Đính đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới hay Ca trù đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được chứng nhận bởi UNESCO… Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa biết rõ về tổ chức này cũng như ý nghĩa đằng sau tên gọi UNESCO.

UNESCO là từ viết tắt của United Nations Educational Scientific and Cultural Organization, có nghĩa là Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc. 

1.2. Lịch sử hình thành

UNESCO là một tổ chức thuộc bộ máy tổ chức của Liên hợp quốc, thành lập vào ngày 16/11/1945 tại thủ đô London của nước Anh trên cơ sở của Công ước thành lập UNESCO. Ngày 4/11/1946, Công ước này chính thức có hiệu lực và được 20 quốc gia công nhận.

Biểu tượng của UNESCO
Biểu tượng của UNESCO 

Tuy nhiên trụ sở chính của UNESCO đặt tại Paris, thủ đô xinh đẹp của nước Pháp. Và tại Việt Nam, văn phòng đại diện của UNESCO được đặt tại tòa nhà Green One UN House, 304 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.

Hầu hết các thành viên khi tham gia tổ chức Liên hợp quốc đồng thời sẽ là thành viên của UNESCO, một số quốc gia chưa phải là thành viên của Liên hợp quốc, khi muốn tham gia vào tổ chức UNESCO cần phải được ⅔ thành viên Hội chấp hành giới thiệu và được đại Hội đồng có mặt tán thành.

Hiện nay, UNESCO có tổng cộng 195 quốc gia thành viên và 9 quan sát viên. Các văn phòng của UNESCO được trải dài trên các khu vực và quốc gia trên thế giới (đối với khu vực và quốc gia thành viên).

1.3. Mục tiêu hoạt động

Mục tiêu hoạt động của UNESCO
Mục tiêu hoạt động của UNESCO

Mục đích thành lập UNESCO là tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học, giáo dục và văn hóa giữa các thành viên, từ đó đóng góp duy trì và thúc đẩy nền hòa bình thế giới. UNESCO ra đời là cơ quan đại diện cho tiếng nói nhân quyền của con người, lên án chế độ ngược đãi, phân biệt chủng tộc, đem lại cuộc sống công bằng và hạnh phúc cho tất cả công dân địa cầu. 

Để thực hiện được mục đích đó, UNESCO tổ chức thực hiện và hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên, tiến hành các chuyên đề về nhiều lĩnh vực đời sống và hỗ trợ các tổ chức tại quốc gia thành viên trong việc thống kê số liệu báo cáo quốc tế và hỗ trợ trong các dự án liên quan trực tiếp đến phát triển con người.

2. Thông tin về tổ chức

2.1. Chức năng

UNESCO ra đời mang theo tiếng nói của hàng tỷ con người trên toàn cầu với 3 chức năng cơ bản sau:

2.1.1. Khuyến khích 

Dự án của UNESCO và UN
Dự án của UNESCO và UN

- Khuyến khích sự hiểu biết cũng như đồng cảm, thấu hiểu lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới thông qua phương tiện thông tin trải rộng trên toàn cầu, liên quan đến các vấn đề về nhân quyền, phong tục văn hóa…

- Khuyến khích các hiệp ước quốc tế về các hoạt động khích lệ sự hợp tác và giao lưu văn hóa tri thức trên toàn cầu.

2.1.2. Thúc đẩy

Tổng giám đốc UNESCO sang thăm Việt Nam
Tổng giám đốc UNESCO sang thăm Việt Nam

UNESCO muốn tạo ra các hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục và giao lưu văn hóa toàn cầu thông qua các hình thức thúc đẩy khác nhau:

- Hợp tác với các nước thành viên để xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục chuẩn theo từng quốc gia và xu hướng tiến bộ chung của toàn nhân loại.

- Hợp tác, kết nối các quốc gia nhằm thực hiện lý tưởng vì một nền giáo dục công bằng cho tất cả công dân toàn cầu, bài trừ hệ thống phân biệt chủng tộc, giới tính hay bất cứ sự khác biệt nào về kinh tế xã hội.

- Nghiên cứu và đề xuất phương pháp giáo dục tiến bộ cho thế hệ trẻ em và con người nói chung, giáo dục về trách nhiệm và nghĩa vụ của con người tự do.

2.1.3. Duy trì, tăng cường truyền bá

Dự án giáo dục của UNESCO tại Việt Nam
Dự án giáo dục của UNESCO tại Việt Nam

Chức năng duy trì, tăng cường truyền bá thông tin được UNESCO đặc biệt chú trọng, thực hiện dưới 3 hình thức chủ yếu:

- Bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa thiên nhiên, di sản văn hóa con người, các tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình kiến trúc của toàn thể nhân loại.

- Khuyến khích sự hợp tác giữa các quốc gia trên tất cả các lĩnh vực hoạt động trí óc, sự trao đổi kinh nghiệm và kiến thức tiến bộ giữa các quốc gia và khu vực, mở ra cơ hội học tập tri thức mới…

- Tạo điều kiện cho mọi dân tộc trên thế giới đều có cơ hội tiếp xúc với kiến thức tiến bộ của nhân loại, tiếp cận với các xuất bản của các quốc gia trên toàn thế giới bằng các phương thức hợp tác quốc tế.

2.2. Cơ cấu tổ chức

2.2.1. Đại hội đồng

Đại hội đồng của UNESCO bao gồm toàn bộ các đại biểu của quốc gia thành viên. Đại hội đồng có là cơ quan có thẩm quyền cao nhất, trực tiếp quyết định đến các chính sách, công ước, kết nạp thành viên, bầu Ban chấp hành, quyết định chức vị Tổng giám đốc, tham gia và thống nhất và biểu quyết ngân sách. 

Kỳ họp của Đại hội đồng sẽ được tổ chức 2 năm một lần. Ngôn ngữ dùng trong các kỳ họp của Đại hội đồng bao gồm các tiếng: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Ả Rập và Trung Quốc.

Trụ sở UNESCO
Trụ sở UNESCO

2.2.2. Hội đồng chấp hành

Đây là cơ quan thay mặt cho Đại Hội đồng tham gia vào các cuộc họp, cuộc làm việc trong nhiệm kỳ 2 năm, giữa 2 kỳ họp Đại hội đồng. Cơ quan này có nhiệm vụ:

- Giám sát các hoạt động trong khuôn khổ các chương trình của UNESCO

- Quản lý ngân sách tổ chức

- Chủ trì các cuộc họp nghị sự và chuẩn bị kỳ họp Đại hội đồng

- Nghiên cứu dự thảo về các chương trình và ngân sách được Tổng giám đốc đệ trình

- Đề cử kết nạp thành viên mới

- Giới thiệu ứng cử viên cho vị trí Tổng giám đốc

- Duy trì mối quan hệ hòa hảo với Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác 

Số thành viên của Hội đồng chấp hành gồm 58 ủy viên trong nhiệm kỳ 4 năm. Mỗi kỳ họp của Đại hội đồng sẽ tiến hành bầu lại một nửa số ủy viên Hội đồng chấp hành nhằm đảm bảo tính công bằng, sự đa dạng văn hóa cũng như khu vực địa lý trong Hội đồng chấp hành.

Hội đồng chấp hành sẽ đại diện cho Đại hội đồng xây dựng các chiến lược và chương trình hành động của UNESCO trong các kỳ họp luân phiên 2 lần một năm.

2.2.3. Ban thư ký

Ban thư ký là cơ quan duy trì hoạt động thường xuyên của UNESCO đảm bảo việc thi hành các chính sách và nghị quyết của Đại hội đồng. Ban thư ký được tuyển chọn trên nguyên tắc về cơ sở địa lý và năng lực làm việc. Ban thư ký sẽ được tuyển dụng hoạt động dưới sự lãnh đạo và quản lý của Tổng giám đốc. Các nước thành viên có quyền giới thiệu đề cử người để được cân nhắc tuyển chọn vào Ban thư ký của UNESCO. Các thành viên trong Ban thư ký sẽ được gửi đến làm việc tại các văn phòng của UNESCO trên toàn thế giới.

Tổng giám đốc đương nhiệm của UNESCO
Tổng giám đốc đương nhiệm của UNESCO

2.3. Nguồn tài chính

Nguồn tài chính của UNESCO hình thành trên 3 nguồn chính đó là: Ngân sách thường xuyên, nguồn ngoài ngân sách và quỹ đặc biệt. 

- Trong đó nguồn ngân sách thường xuyên được đóng góp bởi các nước thành viên và các nguồn thu khác. Tuy nhiên nguồn ngân sách của UNESCO khá hạn hẹp. Nguồn ngân sách thường xuyên được dùng vào các hoạt động chung, chi phí hành chính, duy trì hoạt động của Ban thư ký tại trụ sở chính và các văn phòng đại diện.

- Nguồn ngoài ngân sách có được do sự tài trợ hoặc phối hợp với các tổ chức quốc tế khác như UNDP, UNICEF, WB… Ngoài ra nguồn ngoài ngân sách còn được tài trợ bởi các nước thành viên, phục vụ cho hoạt động thực hiện các dự án phát triển dưới hình thức viện trợ kỹ thuật, thiết bị, đào tạo bồi dưỡng cán bộ…

- Nguồn quỹ đặc biệt được kêu gọi và đóng góp trên tinh thần tự nguyện quốc tế. Nguồn quỹ này sẽ được dùng để tài trợ cho các trường học, công trình văn hóa nghệ thuật chịu sự tàn phá của thiên tai và chiến tranh trong các trường hợp khẩn cấp.

Và trên đây là sơ lược toàn bộ về tổ chức bộ máy và chức năng của UNESCO. Hy vọng bạn đọc đã có thêm cho mình những kiến thức xoay quanh thắc mắc UNESCO là tổ chức gì?

Đăng ngày 06/10/2022, 258 lượt xem