Top 10 Tản văn viết về tháng bảy hay nhất

Tháng bảy nghĩa tình thương nhớ

Tháng 7 có một ngày đặc biệt, ngày mà cả nước tri ân sự hy sinh của bao anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh và các gia đình có công cách mạng. Con số 7 như bảy sắc cầu vòng bắc qua cơn mưa mang hào quang lịch sử một thời. Con số 7 như bảy âm độ trong bản nhạc với những cung trầm ngân vọng da diết. Là con số 7 của nhà Phật với bao nghĩa cử tôn nghiêm như bảy bông sen hồng tinh khiết dâng lên đài hương…

Những ngày này, ta gặp lại các đoàn cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa. Áo các anh đã bạc, màu da còn tái mét cơn sốt rừng, những vết thương trên mình khi trái gió trở trời đau nhức, chiếc ba lô còn lỗ chỗ viên đạn. Chiến tranh kết thúc lâu rồi vẫn chưa thôi cơn báo động.


Những cơn báo động của cuộc sống đời thường còn bao gian khó. Biên cương, hải đảo nòng súng vẫn còn thao thức để giữ bình yên cho cuộc sống. Và trong mỗi người lính vẫn đang gồng mình “kéo pháo” qua dốc núi lưng đèo, qua những cám dỗ để không lăn xuống vực thẳm sâu như ngày trước người lính Điện Biên đã từng kéo pháo với nhịp “Hò dô ta nào…”. Điệu hò ấy vẫn còn ngân vang, vọng mãi với nhịp bước quân hành. Và những người lính, dù đã nằm xuống vẫn trong tư thế tiến công, vẫn trong đội hình đánh giặc.

Thật cảm động biết bao khi ta bắt gặp một nhà thơ chiến sĩ đứng trước nghĩa trang với hàng ngàn ngôi mộ mà trong tay anh chỉ có một bó nhang. Và một ứng xử rất nhân văn lay động thổn thức bao trái tim con người: “Xin được thắp hương nơi đầu gió/Hương khói đừng quên nấm mộ nào” (Thăm mộ chiều cuối năm - Nguyễn Thái Sơn). Hay hình ảnh người vợ đến thăm chồng với một vòng hoa mang theo mà khu rừng chỉ có hai ngôi mộ. Và chị đã dâng vòng hoa lên mộ người động đội của chồng mình với một cử chỉ thân thương tha thiết: “Xin cho chị đặt hoa bên mộ đó/Cả cánh rừng chỉ có hai ngôi mộ/Viếng mộ anh có chị đến đây rồi!” (Viếng chồng - Trần Ninh Hồ).

Còn đó những ngôi “Mộ gió”: “Chạm vào gió như chạm vào da thịt/Chạm vào buốt nhói Hoàng Sa” (Mộ gió - Trịnh Công Lộc). Nỗi đau lớn nhất là nỗi đau người mẹ. Mẹ đã từng mang thai chín tháng mười ngày, đã từng bế bồng bú mớm dõi theo từng bước đi chập chững ban đầu với bời bời biết bao hy vọng. Các con là điểm tựa của mẹ khi về già, lưng đã còng, tóc đã bạc. Bông lúa chín nặng trĩu là khi lúa uốn cong mình cúi xuống. Nhưng chính mẹ lại là “bệ phóng” để tiễn con đi với bao sức mạnh tiềm tàng từ cội nguồn truyền thống. Mẹ là hình ảnh: “Nắng đã chiều vẫn muốn hắt tia xa” (Mẹ - Phạm Ngọc Cảnh). Dáng hình đất nước Việt Nam như dáng hình của mẹ, mềm mại như tà áo dài mà vững chãi như con đê đầu làng.

Tiếng vọng âm tình tháng Bảy từ những cánh rừng Trường Sơn chập chờn bướm trắng, nắng vàng với bao mộng mị; từ những quả núi khét cháy đá vôi ở mặt trận Vị Xuyên; từ những bờ tường gạch đỏ mà cỏ xanh vẫn len lỏi mọc lên nơi kẽ đá của thành cổ Quảng Trị 81 ngày máu lửa; từ màu tím hoa sim và rặng thông xanh ngời ngời chớp bạc của Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn; Hang 8 cô. Bất tử với những bè hoa kết nối, bao sắc màu, sắc hương trong những vườn quê nhà thả xuống dòng Thạch Hãn “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sống còn đó bạn tôi nằm” (Lê Bá Dương).

Tháng Bảy là tháng thiêng liêng, tháng cội nguồn nghĩa tình dân tộc. “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ là một hoạt động thường niên mà đó còn là nghĩa cử cao đẹp của người đang sống với người đã mất. Mà mất sao được hình ảnh những người con gái, con trai: “Đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép/Xa nhau không hề rơi nước mắt/Nước mắt chỉ để dành riêng cho ngày gặp mặt”. Nhà thơ Nam Hà đã viết như thế trong bài thơ nổi tiếng: “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”. Một Việt Nam bốn ngàn năm qua bao cuộc trường chinh đánh giặc vẫn giữ trọn bờ cõi núi sông hồn thiêng đất Việt. Một Việt Nam qua bao cuộc đô hộ vẫn giữ vẹn nguyên tiếng Việt, văn hóa Việt, tấm lòng nghĩa tình Việt. Không thể mất đi được những ký ức lịch sử, ký ức của con người. Những địa danh thân thương gắn liền với những chiến công, những điệu dân ca gắn liền với bao địa hình, địa lý phong thổ.

Tháng Bảy nghĩa tình thương nhớ xin được được nghiêng mình trước các bia mộ có tuổi có tên và cả chưa có tên có tuổi. Xin đừng gọi là “vô danh” bởi chính sự hy sinh lặng lẽ ấy đã vinh danh đất nước. Như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta như vợ, như chồng/Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết/Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi, dòng sông...”.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

Tháng bảy nghĩa tình thương nhớ
Tháng bảy nghĩa tình thương nhớ

Tháng bảy nghĩa tình thương nhớ
Tháng bảy nghĩa tình thương nhớ

Tháng bảy trầm tư và suy niệm

Tháng bảy về, giăng mắc ngoài cửa những suy tư, dệt nên nỗi niềm xa vọng. Đi qua những ngày dằng dặc nắng, ta mong đợi ngày mưa bất chợt dịu mát không gian, hồn người lắng lại. Trầm mình những ngày mưa, ta lại mong ước ngày nắng để hong khô nỗi niềm. Tiết trời tháng bảy nắng mưa thất thường. Khúc giao mùa nắng – mưa cứ lưng chừng, dùng dằng giữa cuối hạ - chớm thu. Nhón gót tới chạm vào hơi thu, lùi lại đụng phải miền hạ. Hạ còn đó nhưng bớt gay gắt, nồng say mà thu thì chưa hẳn. Cái thế chênh vênh đất trời tháng bảy kìm lại nhịp sống hối hả, lòng người chùng xuống, trầm tư.

Tháng bảy, miên man về tháng tri ân anh hùng liệt sĩ. Xem, nghe, đọc tôi cứ ám ảnh mãi những người lính già, lực lượngThanh niên xung phong mở đường… ôm nhau, mừng mừng tủi tủi rồi rưng rưng kể những giây phút tiễn biệt đồng đội mình mà nghen lời, chực trào nước mắt tiếc thương ngậm ngùi. Đau đáu xót đau những đồng đội còn vùi sâu lòng đất lạnh không trở về được quê hương bản quán. Bản tin nhắn tìm đồng đội rưng rức theo thời gian "ai biết phần mộ liệt sĩ...báo về..."Gia đình, người thân nhói đau đành gọi hồn trong các ĐẠI LỄ CẦU SIÊU diễn ra khắp cả nước. Càng thấm thía sự hi sinh quá lớn bao thế hệ đánh đổi độc lập tự do hạnh phúc cho cuộc sống hôm nay. Khoảnh khắc lắng đọng tình cảm, lòng tri ân của mọi người.

Tháng bảy về (âm lịch) gợi nhắc hoài vọng xa xưa. Tháng xá tội vong nhân, tháng mà Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan cho những âm hồn tự do về dương thế, trùng với mùa Vu Lan báo hiếu (rằm tháng bảy). Xuất phát từ huyền tích đồ đệ Phật, Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi kiếp quỷ đói từ 18 tầng địa ngục. Nhắc nhớ đạo hiếu của con cái đối với bậc sinh thành. Chợt nhớ tháng bảy trong Văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du: Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt/ toát hơi may lạnh buốt xương da/ …Thương thay thập loại chúng sinh/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người. Từ Mục Kiền Liên đến Nguyễn Du, từ lễ Vu Lan đến Thập loại chúng sinh, hai tấm lòng đều có chung tâm phật, vượt cả không gian, thời gian truyền mãi đến muôn đời sau. Tháng bảy đã thanh lọc Tâm mỗi người được Tịnh hơn mà hướng đến suy nghĩ, việc làm tử tế hơn, nhân ái hơn. Gửi đến bông hồng trắng với những ai không còn cha mẹ để cùng tâm niệm, gửi tặng bông hồng với người còn đang phụng dưỡng mẹ cha để nhắc nhớ ơn sinh thành.

Tháng bảy mưa ngâu, nhịp cầu Ô Thước, là niềm thương cảm tình yêu phá lệ, phá giới tìm đến nhau (dị bản: Ngưu Lang cõi trần-Chức Nữ cõi tiên). Ngưu Lang – Chức Nữ chịu cảnh trừng phạt đôi ngã, cách biệt năm trời mới gặp một lần (mồng bảy tháng bảy), lễ thất tịch, được xem là ngày tình yêu phương đông. Nước mắt trời hay giọt lệ chia cách, mãi mãi neo lại lòng người nỗi u hoài, xót xa!

Với tôi, tháng bảy là tháng tâm linh. Xin gởi vào tháng bảy (âm dương) những trầm tư và suy niệm.


Loc Trang

Tháng bảy trầm tư và suy niệm
Tháng bảy trầm tư và suy niệm

Tháng bảy trầm tư và suy niệm
Tháng bảy trầm tư và suy niệm

Tản mạn tháng bảy

Tháng bảy này tôi ở xa quê. Cô sinh viên năm thứ 2 như tôi đã bắt đầu nhận thấy mình có nhiều điều “già cỗi”. Nhớ những tháng bảy thuở ấu thơ hay tuổi học trò áo trắng, mực tím sao mà hồn nhiên, vô tư kỳ lạ. Phải chăng tháng bảy cũng mang trong mình nó những cảm nghiệm về tuổi tác và những nỗi lo âu của đời người. Tôi nhắm mắt nhìn lên bầu trời đêm với những vì sao xa xăm và nghĩ mơ hồ về những tháng bảy của cuộc đời...

Tháng bảy, phượng đỏ nôn nao cả trái tim cô bé mộng mơ. Tháng bảy vô tình trở thành ảo niệm trong đời. Tháng bảy, nỗi nhớ về một người dưng dài như sợi mưa giăng trên đồng vắng. Chiều, đạp xe một mình trên con đường quê, vòng bánh xe thật chậm, thật êm. Bên hồ, nước đọng trong veo, con thuyền lá tre dập dềnh chở tuổi thơ về miền hoa cỏ. Dừng xe lại, ngước mắt nhìn lên tưởng mảnh trăng non rớt giữa chiều hè. Gió lùa hoang vu trên từng ngọn cây, chợt thấy se lòng giữa màu đỏ nồng nàn của hoa gạo. Con đường vắng đến không ngờ khiến lòng ta day dứt nhớ...

Tháng bảy, tiếng ve rơi rụng giữa sân trường. Ta nhớ cửa phòng lớp học, trên đó, những dòng tên bạn bè trong đó có ta được ai đó viết vào ngày chia xa. Nhạc ve cất một bài ca xa xưa mà quen thuộc, thấy lòng neo lại cho quá khứ quay đầu. Một gương mặt hiện về, nước mưa bám đầy trên tóc, trên trán, đôi mắt dõi buồn nhìn phượng bay bay. Đôi mắt ấy cứ trĩu buồn, mơ một khoảng trời bình yên không bão tố. Mà, hiện đời còn chật hẹp, lấy đâu chất chứa những cơn mơ ? Ghế đá co ro, thấy thiếu một câu nói thân quen: "Tháng bảy về rồi, bạn ạ!". Tháng bảy, mưa long lanh rơi ở cuối vườn. Mưa giăng giang kín cả nẻo về. Tiếng đòn gánh mẹ kẽo kẹt chìm khuất trong mưa. Rồi những buổi sáng mặt trời thức sớm, thấy mẹ đã dậy, ngồi gom lá đốt ở cuối vườn, ta thấy lòng mình se thắt.

Hồn nhiên và vô tâm quá, nhìn lá úa mà sao không biết tuổi mẹ ngày một cao? Những chùm nụ phượng ngọt ngào nở đầy lối nhỏ đến trường, có một cảm xúc giao mùa vui vui đang len lỏi giữa ngõ ngách tâm hồn; lại ray rứt lòng khi thấy nét lặng lẽ của mẹ ngồi nhìn những chiếc lá tàn phai thành cát bụi, tro than. Tự dưng thấy run rẩy trước bánh xe oan nghiệt của thời gian và thấy lòng chùng xuống trong những ngày mưa dấm dẳng. Tháng bảy, hoa cúc quỳ nở khuya hơn, sương rơi trong hơn trên những phiến cỏ xanh mượt và đầy sức sống. Tiếng côn trùng kêu đêm như vang hơn, thăm thẳm, rầu rĩ...

Tháng bảy, ngồi một mình nhớ tuổi ấu thơ, huyền thoại hay là cổ tích, để bù đắp cho mai sau những sóng gió nếu có của cuộc đời. Tháng bảy hát điệp khúc buồn, tháng bảy với bao nỗi chơi vơi. Chợt nhận ra một nụ cười thân quen vắt ngang vùng ký ức... Nụ cười của anh, có phải không anh?

Tháng bảy lại về. Tháng bảy vẫn khoác trên mình nó chiếc áo mùa hạ rực nắng và sắc màu trầm tư đứng bên triền sông suy nghiệm về cuộc đời. Vẫn là những âm thanh quen thuộc nhưng sao thấy lòng không bình yên như thuở trước, vẫn thấy những “đóa hoa mưa” nở đầy trên mái tranh quê, thấy nước mắt trong hơn, mặn hơn và nhói xót lòng hơn...

Tháng bảy dần qua!


Nguyễn Hường

Tản mạn tháng bảy
Tản mạn tháng bảy

Tản mạn tháng bảy
Tản mạn tháng bảy

Tháng Bảy gọi về nỗi nhớ

Mẹ thở dài trong điện thoại than thời gian trôi nhanh quá là nhanh. Mới hôm nào mà bây giờ đã là tháng Bảy. Ừ nhỉ, có chút bồi hồi khi chợt thấy một tháng Bảy nữa lại về, đất trời bước sang những ngày cuối hạ. Tháng Bảy khe khẽ thì thầm với ta những nỗi niềm sâu kín, trong một buổi chiều tạm gác những xô bồ, cùng lắng nghe từng hơi thở nhỏ nhẹ của hồi ức, của quê hương da diết ân tình...

Tháng Bảy trong ký ức của tôi vang lên những tràng cười khúc khích, ngây ngô. Là bình yên với những buổi chiều quê thong dong trên con đường làng quanh co, lồi lõm. Nắng tháng Bảy cũng như ai nung ai nấu vậy mà đám trẻ mục đồng vẫn chạy lon ton trên cánh đồng quê nứt nẻ. Làm tóc tôi khét cháy hoe vàng, vậy mà bà ngoại cứ hít hà cháu của bà thơm quá. Những tiếng gọi nhau í ới, câu hát đồng dao quen thuộc, chùm trái cây dại tòn ten, đã dắt tôi qua những tháng ngày cơ cực đầy ắp niềm thương mến, để tuổi trẻ qua đi, ta vẫn tiếc hoài năm tháng tuổi thơ.

Tháng Bảy, có lẽ là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm của người nông dân. Xong mùa cấy lại tẽ ngô, phơi hạt...bao nhiêu công việc đang chờ đợi. Tự dưng trong lòng thấy thương quá người nông dân quê mình, thương cha mẹ áo gụ nâu sòng một nắng hai sương, đắm mình giữa mùa nắng để cấy lúa. Cha mẹ tôi có thâm niên hơn 20 năm với nghề ruộng. Năm tháng bào mòn thanh xuân của cha mẹ, đánh đổi bằng những vết đồi mồi, vết chân chim cùng làn da sạm đen. Cha mẹ sinh ra tôi, sinh từ đồng ruộng bùn lầy, tôi thương cha mẹ và thương tháng Bảy quê nhà lòng quặn thắt...

Những ngày đầu tháng Bảy các em tôi đang căng thẳng cho mùa thi lớn trong đời. Nắng tháng Bảy theo em vào tận phòng thi, mồ hôi ủ hơi vào con chữ, gánh gồng tất thảy yêu thương nhọc nhằn của cha mẹ.

Qua bao nhiêu mùa mưa nắng, lòng muốn trở về chốn bình yên sau những rối bời muôn thuở. Tháng Bảy quê nhà lại dang tay ắp ôm tôi vào lòng. Vẫn là mẹ - người bao dung vị tha của lòng con. Mẹ vẫn đứng chờ nơi bậu cửa, câu hát. Sà vào lòng mẹ con như thấy mình vẫn bé bỏng như xưa. Thế nhưng dáng mẹ đã gầy hơn xưa, đôi tay run run mẹ vuốt ve con trong cơn ngủ vùi bất chợt. Từng câu hát của mẹ đưa con qua bao nỗi thăng trầm dâu bể. Vùi vào hơi ấm của mẹ, con lại thấy lòng bình yên đến lạ...

Tháng Bảy, chợt lắng đọng bao cung bậc nhớ thương ngậm ngùi. Quá khứ vẫn vẹn nguyên ùa về mỗi độ tháng Bảy, giữa không khí trầm lắng miên man. Dù đã sống thời bình nhưng có ai mà quên được ngày Thương binh liệt sĩ, ấy là ngày mà mỗi người con nước Nam lại thổn thức một nỗi biết ơn vô ngần. Tháng Bảy về, tự nhắc nhở mình không được quên ký ức hào hùng trong từng câu chuyện thăng trầm của ông cha. Cánh chim tự do chao liệng cuối trời, con đường rợp bóng tre xanh, bãi bồi thắm tươi hoa dại,... tất cả là máu xương của bao thế hệ đi trước. Tháng Bảy ngân lên khúc tưởng niệm chân thành.

Tựa như một bản hòa âm với đủ đầy xúc cảm, tháng Bảy dệt vào lòng người những nốt lặng trong khoảnh khắc chầm chậm suy tư. Tôi vẫn cứ mong mỗi tháng Bảy trôi qua sẽ thật bình yên với mẹ, với quê nhà và với bản thân mình nữa. Để tháng Bảy năm sau, năm sau nữa mỗi khi nhớ về quá khứ lòng sẽ thật nhẹ nhàng, an yên. Bước qua những ngày tháng Bảy bình yên, nhớ quá đỗi những ngày xưa yêu dấu.

Tháng Bảy... gọi nỗi nhớ về!

THÙY HƯƠNG

Tháng Bảy gọi về nỗi nhớ
Tháng Bảy gọi về nỗi nhớ

Tháng Bảy gọi về nỗi nhớ
Tháng Bảy gọi về nỗi nhớ

Tháng bảy đong đầy...

Hình như tôi có tình cảm đặc biệt với tháng Bảy, bắt đầu từ câu hát se lòng: “Tháng Bảy chưa mưa, em đi thành phố lạnh – Nhịp xe cằn cỗi lối lên phi trường – Lời nhạc nào tiễn đưa…”mơ hồ gợi nhắc về những bình lặng và tinh khôi thuở nào, năm tháng ấy đẹp như một giấc mộng…

Tháng Bảy năm xưa, là những ngày mưa liêu riêu trên cánh đồng năm cũ. Người quê tôi quan niệm tháng Bảy là tháng của những xui rủi thường xảy đến trong năm, cớ sao tôi lại thấy tháng Bảy đẹp đến nao lòng. Tháng Bảy mùa hè, lũ học trò chúng tôi không phải thức dậy thật sớm ăn vội bát cơm trắng với chút muối mè rồi đạp xe dài hàng cây số để đến trường. Sáng mẹ không phải đánh thức tôi dậy để soạn tập đi học như mọi khi, tiếng chuông báo thức tắt lịm, tôi mơ màng cuộn mình trong chăn nệm ấm áp mà bên tai vẫn không ngớt vọng lại tiếng con gà đứng trên đống rơm vàng ngóng cổ gáy o o, tiếng í ới gọi nhau của những người nông dân dong trâu lững thững ra đồng khi bình minh réo gọi…

Thuở ấy, tháng Bảy bình lặng như nụ cười trẻ thơ. Tháng Bảy năm xưa gọi tôi về những ngày vui buồn trên miền quê xanh miên viễn. Ở đó, tôi (và cả chúng bạn của tôi nữa), đói thì ăn khát thì uống, hoàng hôn buông lại ra đồng nằm dài ngắm lam chiều, có con diều bay lững lơ trên nền trời biêng biếc. Mục đồng thổi sáo du dương làm thành khúc nhạc đồng quê. Tháng Bảy, mẹ ngồi thổi cơm bên chái bếp sau hè, khói rơm bay lên rồi êm ả tan vào bóng chiều vời vợi. Giữa những ngày bình lặng và an nhiên tháng Bảy, có lúc tôi lại nhớ lắm con đường học trò trong veo, nhớ bạn bè, nhớ tiếng đọc bài của cô giáo thánh thót như cung đàn rơi rơi dưới mái trường thân thuộc. Tháng Bảy đẹp thật, vui thật! Nhưng tôi không muốn níu giữ, cũng không vẩn vơ tiếc nuối khi tháng Bảy nhẹ nhàng trôi qua.

Những tháng Bảy trong đoạn đầu cuộc đời đi qua mùa trẻ trung viên mãn, để chúng tôi cứ thế mà lớn lên cùng cuộc đời, bản lĩnh với đời…

Tháng Bảy bây giờ, hoa phượng an bình trút xuống mặt đường những xác hoa cuối cùng, cánh hoa chầm chậm rơi như lời tạ từ, luyến lưu trước khi giã biệt. Có những chiều vô tình đi ngang qua con đường có hoa ở ngoại ô thành phố, tôi thấy tôi của những ngày vô tư hồn nhiên nhặt cánh hoa ép vào trang vở học trò. Chỉ tiếc rằng bây giờ, tôi không còn giữ được một cánh hoa nào nhuốm màu xưa cũ, qua bao cuộc chuyển di. Tháng Bảy trong tôi, hạnh phúc và mất mát níu tay nhau song hành trong cuộc đời. Cớ gì những dấu ấn nhớ nhung lại chọn tháng Bảy làm nơi lưu giữ. Ba tôi ra đi vào một chiều tháng Bảy, khi những cơn gió nhẹ thản nhiên lướt qua cánh đồng xanh màu mây trời thương nhớ. Tháng Bảy – tôi rưng rưng đón nhận tờ giấy trúng tuyển Đại học trên tay rồi hí hửng đem đi khoe khắp xóm như một đứa trẻ. Những chuyến thiên di rộn rã và những cuộc trở về bình an cũng diễn ra trong tháng Bảy, năm xưa và bây giờ. Một ngày cuối tháng Bảy, tôi rời quê lên phố học Đại học, mẹ đứng lặng dưới giàn mướp hương trước nhà, bóng tôi liêu xiêu trên con đường nhỏ vắt ngang qua cánh đồng gió lộng.


Tháng Bảy – những đổ vỡ đầu đời của tôi nằm yên trong trái tim sai lầm, lỗi nhịp.

Tháng Bảy – tôi thức giấc tại một thành phố xa lạ, pha trà, đọc sách rồi đong đưa theo một bản nhạc không lời trên ban công đầy hoa. Có lúc tôi hằng ao ước được trở lại những ngày tháng Bảy xưa cũ, để miền kí ức xanh miên viễn kia đủ sức phủ lên tâm hồn những chiều bình yên như ngọn gió…


HOÀNG KHÁNH DUY

Tháng bảy đong đầy...
Tháng bảy đong đầy...

Tháng bảy đong đầy...
Tháng bảy đong đầy...

Khúc tình ca tháng bảy

Tháng 7 về trong chiều hè trở gió, triền đê nghiêng mê mải theo những sợi mưa dài mảnh khảnh trắng bay. Đài báo bão ngoài xa, không khí lạnh chiều nay vừa chạm ngõ, cũng chỉ đủ làm mềm nắng hạ, nên gió cứ xao xác hoài trăn trở những niềm thương. Sen gầy tàn cánh mỏng vẫn chùng chình lan hương. Lối mòn đê nhỏ cỏ may đã bắt đầu vương nhớ. Thoảng trong sương mùi nhãn quê chín rộ, ta bồi hồi đếm bước tháng 7 rơi.

Khẽ xé lịch ngày qua để đưa tay chạm nhẹ vào tháng bảy, thấy bằng lăng nơi đầu ngõ đã rơi đầy. Thấy đóa phượng đã bắt đầu lưu luyến, tiếng ve ngân trong vòm lá lắng dần. Mưa làm nhạt cái oi nồng rất hạ, kéo thu về se sắt giữa thênh thang. Hương ổi chín cuối nhà ai thơm thoảng, gót chân mềm dấu da diết vào mưa. Tháng 7 về thương quê nghèo vừa gieo sạ, chút nắng chút mưa sâu lá sinh sôi, bàn chân cha khô nứt lội dòng nước ruộng, và lưng mẹ thêm còng ngày cấy dặm đồng xa. Tháng 7 về nắng mưa nghiêng trong gió, thương lưng mẹ nghèo cõng gánh triền đê, thương cánh cò trắng cứ bay hoài không nghỉ, thương bàn chân trần tất bật giữa gạo cơm.

Tháng 7 gánh mùa thu sang thay hạ chí, thương sen tàn nắng cũng bớt bức oi. Ta thảng thốt dấu chiều rơi trong mắt, thương hạt mưa ngâu nàng Chức cứ rơi hoài. Tháng 7 bâng khuâng sương rơi lấm áo, có chuyến đò nào hun hút sông xa. Người nơi đó mấy ai còn vương lại, một mảnh hồn quê giữa đợi chờ. Tháng 7 rơi giữa lưng chừng quên nhớ, lại thèm chiều chân trần chạy trên đường đất ngày xưa. Nghe nỗi nhớ ùa về những ngày cũ, chốn tuổi thơ ta có nợ với cánh diều. Tụi trẻ con chân đất đầu trần, có đứa nào làn da không đen mặn, rơm còn rải vàng giữa làng quê ngõ xóm, cánh đồng đã vội xanh lớp mạ mới gieo trồng.

Tháng 7 về trong những cơn giông vội, không quá chớp rền như tháng 6 rào giông. Hàng cây xanh đã bắt đầu mềm mại, uốn thân mềm từng đợt gió mùa qua. Gió nghiêng hát trên triền hè rợp nắng, mây trắng trên trời đã dần bạc xám mênh mang. Cụ già móm mém nhìn cháu thơ nghịch phá, tổ cha bây nhưng lại quá yêu chiều. Ta bỗng thấy mình như thời bé dại, nhổ tóc bạc cho bà cứ đòi những que kem. Cầm chiếc dép đứt quai mòn gót, bao lông vịt khô hong từ đoan ngọ, tíu tít chạy theo tiếng xe đạp chú bán kem đang cọc cạch từ đầu làng. Que kem đá không bùi sữa ngọt như bây giờ, lại trở thành món ngon nhất của tuổi ở trần quần rách, mà suốt một đời ta trăn trở đầy vơi.

Tuổi thơ dần khuất đi qua theo rất nhiều tháng 7, vết chân chim trên đuôi mắt cứ dày thêm nhiều thêm. Có những khi nhìn vết chai trên bàn tay đầy sạn, lại thao thức hoài những tháng 7 mùa qua. Nhớ tuổi thanh xuân tháng 7 chớm trăng tròn, mắt đưa mắt mà ngón tay lóng ngóng, nắn nót hoài hai tiếng chia li. Vào đại học đứa trường này trường khác. Đứa mặc quân phục vào doanh trại, đứa lại lạc bước tận trời Âu. Xa mái trường mỗi đứa một đời riêng, năm tháng phôi phai đứa còn đứa mất, đứa thân thuộc đứa lại thành lạ xa. Chỉ có niềm nhớ tháng 7 về khắc khoải, đóa phượng rụng dần, học trò gác lại bút nghiên. Chỉ rưng rức mỗi đêm trời trở gió, ta lại lần dò giở những trang lưu bút ngày xưa…

Tháng 7 khẽ chạm vào trưa, vào những tháng năm không đầu không cuối. Ngắm tháng 7 vắt mình giữa trời thu cuối hạ, nghe xao xác hoài mùa gió tuổi thơ. Căn nhà rách bên đồi bạch đàn quanh quanh hồ cá, khói lam chiều mênh mông mái rạ. Khóm chuối sau hè xạc xào dáng mẹ. Giữa sân nhà nghiêng hơi mát gió nghiêng. Đứa trẻ con lấy đất làm đồ hàng, chơi ngây ngô giữa xe đất ba đổ, giọt mồ hôi người lóng lánh nắng ban trưa.

Tháng 7 đi dùng dằng trong nắng, bước qua thu mềm trời đất hóa dịu êm. Tháng 7 ngân khúc nhạc trên những cánh hoa tàn nhuốm màu xưa cũ. Tháng 7 dấu đôi mắt mẹ tiễn con đi đại học nơi sân ga chiều đầy gió. Đôi tay mẹ chai sần biêng biếc giữa giấc mơ con. Lại như thấy dáng mẹ đứng dưới giàn bầu mướp, dáng mẹ liêu xiêu gầy trên đường làng ngõ xóm gió nghiêng qua. Thấy bì thư có số tiền mẹ gửi chắt chiu mặn mòi bao nhiêu giọt mồ hôi. Nắng và mưa cứ vương đầy lối nhỏ. Ta vào đời từ cánh võng mẹ ru, từ thân mẹ suốt một đời lam lũ. Tháng 7 rơi, thương dáng mẹ hao gầy.

Tháng 7 người bỏ ta trên chuyến tàu về phố. Người đứng ở sân ga rồi lạc bước trong dòng người hư ảo. Tháng 7 chòng chành, tháng 7 chênh vênh, tháng 7 vẫn trở lại, trong nỗi nhớ ta trao người. Để bao tháng 7 trong đời ta vẫn nhớ chơi vơi.


Trần Hiền

Khúc tình ca tháng bảy
Khúc tình ca tháng bảy

Khúc tình ca tháng bảy
Khúc tình ca tháng bảy

Trong ráng chiều tháng 7

Câu thơ của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh viết về “Mẹ” cứ ám ảnh tôi mãi: “Nắng đã chiều vẫn muốn hắt tia xa...”.

Những ngày tháng bảy tôi thường hay nhìn lên bầu trời. Mây tháng bảy có gì ngổn ngang màu bạc xốp, bạc trắng ngỡ như bềnh bồng mà giấu sau mình những cơn giông ầm ĩ cuối chân trời. Hình như thiên nhiên cũng đồng cảm với lòng người khi tháng bảy về trong lòng ta vời vợi bao nhớ thương những người đã khuất.

Tự nhiên trong tôi vang vọng thiết tha bài hát Màu hoa đỏ: “Có người lính ra đi từ đó không về...”. Ôi cái màu hoa chang chói cho ta hình dung ánh lửa chớp lóe sáng một thời nơi chiến trận. Và máu đào các anh đã thấm vào đất đai Tổ quốc - Tổ quốc bây giờ thật thiêng liêng máu thịt.

Trong ráng chiều tháng bảy hình như trời cũng oi bức hơn không gian như nén lại. Cơn giông của chiến tranh đi qua những vẫn còn đó những cơn giông trong vất vả cuộc sống đời thường. Những cơn sốt rét vẫn âm ỉ trong cơ thể bào mòn từng tế bào, từng hồng cầu. Vết thương vẫn đau nhức khi trái gió, trở trời dù không còn những cơn báo động. Các anh trở về trong vòng tay yêu thương của cộng đồng. Những mái nhà tình nghĩa được dựng lên. Những kèo những cột đan giằng vào nhau để nương tựa, chia sẻ vun đắp những niềm hạnh phúc nho nhỏ.

Trong ráng chiều tháng bảy bao kí ức hiện về với những hiện vật đời lính. Đó là chiếc ba lô con cóc lỗ chỗ vết đạn một thời thấp thỏm trên lưng. Đó là cảnh võng dù chung chiêng với các cảm giác “nằm trên võng cứ thèm nghe tiếng võng”... Tất cả đều vun lên trong ta những nỗi nhớ ấp đầy như mây khói. Có chút gì cay cay khóe mắt. Có chút cồn cào gan ruột. Rồi lắng đọng nhuộm vào ráng chiều cái màu nắng ngút ngàn cuối ngày rừng rực đan xen bao gam màu cung bậc. Được và mất, cho và nhận...

Trong ráng chiều tháng bảy bỗng hắt lên nền trời một sắc cầu vồng lung linh kỳ diệu. Ánh cầu vồng giao thoa bao nỗi niềm đan xen tâm trạng. Cầu vồng tháng bảy chính là sự hồi sinh của những hy sinh mất mát. Cầu vồng ảo ảnh nhưng để lan toả một khát vọng, một ước ao, một bày tỏ, một da diết của những người đã ngã xuống nói với người đang sống hôm nay...


Nguyễn Ngọc Phú

Trong ráng chiều tháng 7
Trong ráng chiều tháng 7

Trong ráng chiều tháng 7
Trong ráng chiều tháng 7

Tháng Bảy bình yên

Khi những bông hoa xấu hổ nở bung như một bông hoa tuyết và lá của chúng khép kín lại vì nước mưa, đó là lúc tháng bảy tìm về, mang theo sự bình yên đến lạ thường.

Tháng bảy của tuổi thơ là những ngày rong ruổi ngoài đồng ruộng, là những buổi dầm mưa đến ướt sũng nhưng vẫn cười hả hê. Nhìn cơn mưa tháng bảy, kỉ niệm lại phút chốc ùa về trong tâm thức. Nhớ lắm những đêm mưa giông, nằm trong lòng mẹ như chú cún quấn tròn bên chủ, nhớ những buổi theo chị ra ruộng bắt cua đồng về nấu món canh rau tập tàng, tuy đạm bạc nhưng đầy ắp yêu thương.

Tháng bảy không vội vã mà lưng chừng, chậm rãi như những chiếc bong bóng mưa phập phồng trên mặt nước, như con thuyền giấy trôi lững lờ được chị em tôi thả trong những ngày mưa. Trẻ con ngày ấy, lại khó khăn như chúng tôi, những thứ nhỏ bé mà thú vị như vậy là cả một bầu trời tươi mới, để rồi những hình ảnh ấy cứ thế len vào trong giấc mơ tuổi thơ tôi.

Mãi đến khi lớn lên, những kí ức đẹp đẽ trong tôi về tháng bảy vẫn còn nguyên vẹn. Với tôi, tháng bảy là tháng của sự tươi tốt, xanh non, luôn mang đến cho người ta cảm giác dễ chịu. Bình yên là vào một buổi sớm tháng bảy, khi vừa mở cửa ra, hít một hơi thật sâu mớ không khí trong lành thoang thoảng hương cỏ dại, là khi có một luồng gió mát lành thổi vào nhè nhẹ, len lỏi đến từng kẽ tóc thơm nồng, là ngồi ngắm những giọt nước trong suốt đọng lại như còn vương vấn gì trên chiếc lá sau trận mưa đêm qua. Bình yên còn là những buổi đạp xe chầm chậm trên con đường được bao phủ bởi hàng cây xanh mát, nhẹ nhàng tận hưởng cảm giác thích thú khi từng giọt nước còn đọng trên cây rơi xuống mát lạnh khuôn mặt.

Bầu trời tháng bảy nhiều mây. Những đám mây dày xốp, bồng bềnh tựa như bông. Thế rồi, hệt như một viên kẹo bông ngọt ngào tan đều trong miệng, những đám mây ấy dần tan ra khi trời sắp sửa chuyển mình sang thu, nhường chỗ cho một bầu trời trong vắt xanh cao.


Ngọc Lý

Tháng Bảy bình yên
Tháng Bảy bình yên

Tháng Bảy bình yên
Tháng Bảy bình yên

Gửi nỗi nhớ tháng bảy

Thời gian như một chuyến tàu lăn bánh không ngừng nghỉ. Mới đó đã bước sang tháng Bảy. Quá nửa thời gian trong năm đã trôi qua, rồi chẳng mấy chốc mà năm cũ kết thúc. Sống giữa những ngày tháng Bảy, lòng con bâng khuâng, xao xuyến chẳng thể nói nên lời. Mấy đêm nay con chẳng thể chợp mắt được vì nhớ quê, nhớ gia đình mình đến da diết.

Đó là những ngày tháng Bảy của tuổi thơ nơi quê nhà yêu dấu. Tháng Bảy quê mình nắng vẫn đỏ lửa, rát bỏng từ sáng sớm cho tới tận tối muộn. Con nhớ mẹ phải thức giấc từ rất sớm để ra đồng, mong tránh được cái nắng rát đỏ. Mẹ trở về nhà với tấm lưng ướt sũng. Mắt mẹ nheo lại vì mồ hôi tràn vào xót buốt. Tháng Bảy với con là những tảo tần, vất vả khó nhọc của mẹ. Mẹ đã không quản ngại khó khăn, quên đi thời tiết khắc nghiệt để làm việc, mong có đồng ra đồng vào nuôi hai chị em con khôn lớn thành người. Và con cũng nhớ đến cha, người cha hiền lành dáng gầy gò, khóe mắt chằng chịt những vết chân chim. Cha con làm nghề phụ hồ, cái nghề nghe thôi đã thấy cực khổ. Mưa nắng lúc nào cũng tới đầu. Mỗi khi tháng Bảy về con lại cầu mong bớt nắng để cho cha đỡ cực, cho những lần xách vôi vữa của cha được nhẹ nhàng hơn…

Tháng Bảy ngày ấy quê mình hay mất điện. Con nhớ buổi tối cha vẫn thường mang manh chiếu cũ ra trải cạnh bờ ao để cả nhà quây quần hóng mát. Con nhớ quá khoảnh khắc đó vô cùng. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất mà sau này con chẳng thể tìm thấy nó một lần nào nữa ở giữa thành phố chật chội, bon chen. Cha kể cho con nghe tuổi thơ của cha với gia đình ông bà nội nghèo khó. Cha phải đi mót từng mẩu khoai, phải lặn lội ra đồng mò cua bắt ốc. Nhà ngoại cũng chẳng hơn là bao, mẹ tảo tần cùng với các dì, theo bà buôn thúng bán mẹt từ hồi còn bé xíu. Năm tháng nghèo đói nhưng có cha có mẹ, có em con cùng lớn lên từ mái tranh nghèo rồi chuyển sang ngôi nhà ngói tinh tươm.

Tháng Bảy con thương ánh mắt mờ đục của ông khi nghĩ về ngày đặc biệt của mình, Ngày Thương binh, liệt sĩ. Ông đã có thời thanh xuân tươi đẹp, kiên cường và dũng cảm đánh giặc cứu nước cho thế hệ mai sau được hưởng trọn bầu trời hòa bình. Những tấm huân chương, huy chương của ông là minh chứng cho những năm tháng lịch sử hào hùng ấy. Con nhớ, những lần cùng ông rong ruổi vào Nam ra Bắc, đi dọc con đường Trường Sơn, đến các nghĩa trang để thắp hương cho đồng đội của ông năm xưa. Tỉ mẩn dọp dẹp, thắp hương các ngôi mộ con mới hiểu thêm được giá trị của hòa bình, của công sức cha ông đổ xuống.


Tháng Bảy của con, của mẹ vẫn là tháng ngày thật dài, đong đầy kỷ niệm. Giây phút hoài niệm giữa bầu trời tháng Bảy trong xanh, con chỉ mong nhanh nhanh được về bên cha mẹ, để cùng quây quần bên mâm cơm gia đình ấm cúng với những khoảnh khắc bình yên trải dài vô tận…


Tản văn của CAO THƠM

Gửi nỗi nhớ tháng bảy
Gửi nỗi nhớ tháng bảy

Gửi nỗi nhớ tháng bảy
Gửi nỗi nhớ tháng bảy

Tháng bảy, mưa

Tháng bảy. Mưa. Cả Tây Nguyên chìm trong những cơn mưa rả rích kéo dài. Bầu trời xám đen sà xuống thấp. Màn mưa trắng như nối bầu trời với mặt đất. Mưa khiến những bóng người trên đường đi vội vã hơn, không gian âm u ảm đạm hơn. Và, mưa gợi bao nỗi niềm cho người dân quê tôi. Trời cứ buông những cơn mưa dài gieo vào hồn người nỗi nhớ mưa tháng bảy…

Ngày xưa tháng bảy mưa, đường làng nhão nhoẹt bùn đất. Tiếng mưa đều đều nhè nhẹ mà cũng gợi bao nỗi lo trong lòng gười. Lo lũ lụt mất mùa, lo mái tranh nghèo dột ướt giấc ngủ con trẻ … mưa tháng bảy cũng để lại nhiều kỉ niệm vui buồn cho hôm nay nghe mưa lại bâng khuâng nhớ về.

Ngày xưa mỗi trận mưa chiều là niềm vui của bọn trẻ đồng quê chúng tôi. Tắm mưa là dịp để chơi đùa thỏa thích. Những giọt mưa rơi đều trên da thịt nghe như bàn tay vỗ về mơn man. Trò chơi trong mưa đơn giản mà rất vui, những chiếc thuyền bằng bẹ chuối cắt ngắn có gắn vài cánh hoa dại thả trôi theo dòng nước mưa hay chỉ là trò đuổi bắt trong mưa mà cũng đủ đọng lại thành kỉ niệm đẹp. Mưa di dần sang đêm, niềm vui ấy cũng chuyển sang cung bậc cảm xúc khác. Đó là nỗi lo lắng mái tranh nghèo mưa dột loang ướt giấc ngủ hay lo mái vách thưa để gió núi mang hơi nước lùa vào giấc ngủ chập chờn vì giá lạnh. Trong kí ức tuổi thơ tôi mưa tháng bảy gắn với bao vui buồn của một tuổi thơ nghèo khó.

Có tháng bảy mưa khi đã giã từ đèn sách, tôi cũng ngụp lặn trong mưa lũ để tìm vớt những bông lúa chín còn dang dở. Giữa cánh đồng trắng nước có nhiều người mò tìm vớt từng nắm lúa bông khi cơn lũ tràn qua. Dầm mình trong nước cả ngày đổi lấy niềm vui nhỏ nhoi là vài bao lúa dẫm ướt. Người nông dân chân chất quê mùa, niềm vui cũng chất phác đến thô sơ. Lẫn trong tiếng sóng nước ì oạp vỗ vào mạn chiếc ghe đựng lúa là tiếng cười sảng khoái của ai đó chốc chốc lại vang lên. Trai gái làng cùng ngâm mình trong mưa lũ mà ánh mắt trao nhau ấm áp tưởng cũng đủ xua đi cái lạnh của mưa tháng bảy. Nhớ hình ảnh những thôn nữ ướt dầm mà môi cười rạng rỡ cùng ánh mắt lúng liếng thoáng nhìn ngỡ như tháng bảy không mưa lũ …

Rồi tôi giã từ những buổi vớt lúa trong mưa tháng bảy lên đường đi tiếp mộng khoa cử dở dang. Hành trang mang theo là những tháng bảy mưa ngồn ngộn hình ảnh và cảm xúc vui buồn. Hôm nay nghe mưa bất chợt những kỉ niệm ướt lạnh ấy trở về. Nhớ những chiều tắm mưa niềm vui ướt sũng mưa tháng bảy.Nhớ giấc ngủ không trọn vẹn vì mưa đêm loang ướt. Và nhớ ánh mắt trong veo gợn sóng nước mùa lũ tháng bảy của cô thôn nữ cùng vớt lúa ngày xưa. Cầm điện thoại hỏi người bạn cũ ở quê còn nhớ không những tháng bảy mưa và tháng bảy này có như ngày xưa không? Bạn cười hồn nhiên khuyên tôi giữ lấy ngày xưa vì hình ảnh đó nay không lặp lại. Đường sá rải nhựa phẳng phiu, đê bao ngăn lũ rồi không còn tìm đâu ngày cũ ấy nữa. Mưa tháng bảy làm xanh tốt vườn cây và rửa sạch đường làng. Chợt nghe tiếng mưa tháng bảy như reo vui cùng tiếng cười của người bạn cũ.

Dẫu sao mưa tháng bảy cũng mang về nhiều kỉ niệm để nhớ, để thương những tháng bảy mưa…


Lê Quang Thọ

Tháng bảy, mưa
Tháng bảy, mưa

Tháng bảy, mưa
Tháng bảy, mưa

Đăng ngày 16/07/2024, 41 lượt xem