Top 6 Tản văn viết cho những ngày chênh vênh hay nhất

Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 6

Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có lúc trải qua trạng huống chênh vênh, thấy mình không vững chãi trước mọi thứ. Đó là điều đương nhiên bởi ai chẳng có lúc yếu lòng, có lúc thiếu sáng suốt nếu không muốn nói tới phần đông người thường yếu đuối và mờ mịt trong suy nghĩ nên không thấy được vấn đề, đôi khi rất đỗi bình thường nhưng lại làm quá lên, tự tạo những nỗi khổ đau, mệt mỏi cho mình.


Thực tế là, có những sự việc thực sự kinh hoàng, đáng suy nghĩ và là nguyên nhân chi phối chúng ta rất nhiều. Đó có thể là những bất ổn bên ngoài thuộc về hoàn cảnh sống nói chung hay gọi chi tiết là môi trường chính trị-xã hội-kinh tế tác động tới thân-tâm con người. Và, đó cũng có thể là những “bất ổn” bên trong thuộc về tâm-sinh lý của mỗi người như tình cảm, bệnh tật hay những khiếm khuyết nào đó mà mình xem đó là bí mật của riêng mình, là “phần kín” khó giãi bày mà mình cố công gìn giữ…

Ta sinh ra ở một thời đại hay trong một vùng quốc gia, thủy thổ, thiết chế xã hội, chính trị… có nhiều bất ổn làm cho ta cảm thấy thiếu niềm tin hay bị bó hẹp suy nghĩ. Cụ thể, có những người sinh ra giữa một xã hội người áp bức người, ở đó quyền lực thống trị thuộc về số ít và số đông cam chịu làm nô lệ cả về thân xác lẫn tinh thần, giống như một cái máy.

Khi ấy, nếu ta là thực thể có mặt trong điều kiện ấy ta cũng thấy chênh vênh, luôn sống trong sợ hãi vì chẳng biết lúc nào mình sẽ trở thành nạn nhân của trò áp bức. Sống trong thời chiến, nhiều người kể lại những năm tháng nơm nớp ấy chính là những nỗi ám ảnh quá khứ khó lòng nguôi ngoai. Sự chênh vênh về cuộc sống bấp bênh, đầy khó khăn của một giai đoạn kinh tế khủng hoảng cũng làm mình sợ hãi, vì có thể mình sẽ rơi vào hoàn cảnh nghèo khó, thất nghiệp, thiếu thốn đến đói khát…

Suy cho cùng, những điều kiện sống bất ổn, không thỏa mãn mong muốn được tự do, bình an, đầy đủ… của con người chính là nguyên nhân làm cho chất lượng sống (về tinh thần) không cao. Những nỗi sợ hãi, lo lắng và bất an này đến từ yếu tố vật chất như sự nghèo túng, thiếu thốn, mất tự do thân thể… được triết học hiện đại gọi là “vật chất quyết định ý thức”.

Bên cạnh đó, còn có những vấn đề tình cảm hay những “nỗi đau tinh thần” thuộc về một người đến từ những khiếm khuyết tâm-sinh lý mà họ luôn xem đó là “nỗi buồn riêng tư”, không thể bày biện, hoặc nếu có nói thì cũng không ai hiểu. Sự “đeo bám” của tâm lý nặng nề từ nhận định về bản thân yếu kém có thể nói theo ta như hình với bóng, và hình như ai cũng bị sự “ám muội” này, bởi không có ai là hoàn hảo một cách tuyệt đối. Sanh ra làm người, có người được đầy đủ sáu căn như cũng có nhiều người sáu căn không đủ đầy. Và họ, đôi khi (hay nhiều khi?) vẫn thấy mất tự tin và đôi khi tự ti, tủi thân vì chính cách đối xử giữa người với người.

Một cụm từ “người bình thường” so với “người không bình thường” (tự hiểu) của những ai khuyết tật đủ để họ đau đáu suy nghĩ về thân phận của mình. Hay, có một thời người ta gọi người khuyết tật là “tàn phế” để rồi sau đó nhiều người khuyết tật đã lên tiếng “chúng tôi tàn nhưng không phế” để minh chứng cho suy nghĩ sáng suốt còn đó thì dẫu đôi tay, đôi chân thiếu vắng hay thậm chí nằm một chỗ thì cũng không phải là “phế nhân”.

Với tư duy đó, không ít người khuyết tật đã phát huy thế mạnh của mình ở những bộ phận còn lành lặn, hoặc sống vui, sống lạc quan, yêu đời để hiến tặng một bài pháp về con đường ở ngay dưới chân mỗi người, quan trọng là ta có chịu đi hay không. Thế nên, thi thoảng gặp được những con người khiếm khuyết một phần thân thể hay trong biểu hiện giới tính có phần chuệch choạc so với hiểu biết về giới của cộng đồng mà họ vẫn sống hữu dũng trước những ánh nhìn kỳ thị, quan ngại và còn góp nhặt yêu thương, cống hiến những giá trị cao đẹp (từ vật chất tới tinh thần) mà những-người-bình-thường khác không làm hay không làm được - báo chí luôn ngợi ca như một điển hình, một tấm gương đáng học hỏi, đáng làm mô phạm cho cuộc đời…

Buồn ơi, chào em!

Có một thi kệ thực tập mà một thiền sư đã đề xuất, được nhiều người yêu mến, trân trọng ghi lại như một cẩm nang trên bước đường vượt thoát khổ đau, kiến tạo an vui, hạnh phúc cho mình, đó là: “Thức dậy miệng mỉm cười/ Hai bốn giờ tinh khôi/ Xin nguyện sống trọn vẹn/ Mắt thương nhìn cuộc đời”.

Sự thực tập này mang tính dừng lại, quán sâu để từ đó gội rửa tâm hồn mình từ chỗ mịt mù tăm tối, từ chỗ nhìn đâu cũng thấy đen thui, đáng chán thành chỗ có một con đường để đi, chỉ cần mình biết thương yêu, biết trân quý bản thân cũng như những gì đang có. Hành động mỉm cười mỗi sớm mai thức dậy là một sự thực tập mang tên chế tác an vui.

Cười thật an, thật tươi (như hoa nở) để chào đón giây phút hiện tại ta còn sống là một quán niệm mang ý nghĩa tôn trọng và biết ơn sự sống tự thân của mình và cũng là hành động nhận diện sự thật “thân người khó được mà ta đang được thân người đây, đó là hạnh phúc đâu dễ dầu gì có được”. Nên, hãy hạnh phúc đi!

Đó, còn là, trong cõi người này, còn bao người nghèo cùng, túng bấn gấp nhiều lần ta; hay còn bao nhiêu người đang phải vật lộn với mưu sinh, chiến đấu với bệnh tật nan y trong cuộc chiến sinh tồn… Ta cứ nghĩ dài và nghĩ rộng ra, bao quát cả một xã hội mà ta đang sống đến toàn thế giới rồi đến những cõi khác, nhất là ba cõi trong tam đồ ác đạo (địa ngục, ngã quỷ, súc sanh). Những cõi mù mù tăm tăm ấy, nhất là địa ngục, sống chết muôn lần, đau khổ liên miên không dứt kia đáng thương và đáng tội nghiệp hơn ta bội phần, ta khổ chừng này có đáng gì đâu?

Cứ thế mà quán để mà “thương nhìn cuộc đời”, để mà biết ơn giấy phút ta sống dậy sau một thời gian thùy miên để cảm nhận hạnh phúc mà mình đang có. Đó cũng là một cách để giã từ những tri giác sai lầm rằng ta đang bất hạnh, ta đang khổ đau và tiếp tục đẩy mình đi sâu, đi xa vào mê lộ của u tối, khổ đau triền miên, dẫu mình chẳng phải là người khổ nhất.

Buồn ơi, chào em! Đây cũng là một sự thực tập, một thiền ngữ để nhắc ta nhẹ nhàng đối mặt với những buồn thương chất ngất đang phủ trùm trong tâm trí ta. Thiền ngữ nhắc ta nhận diện mình đang buồn, đang chênh vênh có nghĩa là nhắc về sự có mặt của tâm hành ấy trong ta. Nếu ta nhận diện và bình tĩnh chào nó bằng một ái ngữ dễ thương (chào em) sẽ ngăn ta căng cứng lên, chống đối hoặc loại bỏ nó như cái cách mà y học hiện đại thường dùng là phẫu thuật cắt bỏ.

“Phẫu thuật” những nỗi buồn đau, chênh vênh trong tâm thức khác với cách cắt bỏ của y học hiện đại. Theo đó, ta phải thực tập chậm rãi, bình tĩnh, tự tin bằng sự quán niệm về nó. Nhưng muốn nhìn thấu triệt nó để cắt gọt tận gốc rễ thì ta phải chầm chậm lại, dừng lại thì mới có đủ năng lượng để mà quán chiếu. Khi ta cứ chạy điên cuồng và tâm ta lúc nào cũng muốn mình không khổ đau, phải hạnh phúc liền liền dù trước đó và thậm chí hiện tại mình đã tạo ra khổ đau ngút ngàn cho đời, cho người, cho mình bằng những ý nghĩ sai trái, lời nói đầy độc tố, hành động thiếu từ bi… thì ta càng mong muốn (càng tham) thì càng đớn đau, vật vã mà thôi.

Vì vậy mà Đức Phật chọn một trong những pháp môn căn bản để dạy môn đệ của mình dứt trừ khổ đau, kiến tạo hạnh phúc chính là thiền định. Nhưng, muốn thiền định thì trước tiên và trên hết là phải gìn giữ những nguyên tắc đạo đức (giới luật) thì mới giúp cho thân tâm định và khi ấy trí mới sáng ra để thấy đường đi, đi vững chãi, không còn chênh vênh. Trong Phật giáo gọi đó là “tam vô lậu học” (Giới-Định-Tuệ), con đường đi từ tối ra sáng, giải thoát khổ đau, cập bến bờ an vui mà bất kỳ hành giả nào cũng phải thực tập thì mới nếm được pháp vị của nó.

Thế gian hay nhắc những người nôn nóng, sầu khổ, vụt chạc trong cuộc sống, ứng xử với mình, với người bằng câu: “Cứ từ từ, chuyện đâu còn có đó”. Đối với người con Phật, nhìn sâu vào câu này cũng thấy đó là một công án thiền phải chiêm nghiệm để thực tập.


Cứ từ từ là thiền chỉ (dừng lại), chuyện đâu còn có đó (nhìn sâu - thiền quán, để thấy là sự sự vật vật, hiện tượng biểu hiện trong mình, quanh mình vốn theo định luật nhân-duyên-quả, cái gì đến lúc tới thì nó phải tới, ta có sợ bỏ chạy thì nó vẫn theo ta liền tức thì, vì đó là nghiệp, theo ta như hình với bóng thì chạy đâu cho thoát). Cái quan trọng vẫn là cách ta đón nhận những điều đã và sẽ xảy ra bằng sự hiểu biết, thương yêu. Hiểu rằng nhân quả công bằng, rất rõ ràng, ta đang khổ đau hay hạnh phúc, bình an đều là kết quả mà ta đã gây. Ta khiếm khuyết hay lành lặn, môi trường ta sống bình an hay nhiều độc tố… đều là kết quả mà ta từng tác tạo nhân trước đó…

Bên cạnh nhận diện sự thật ấy để đón nhận bằng tâm từ ái (buồn ơi, chào em) ta còn bắt đầu gieo tạo những hạt giống lành, trùng tu lại những nham nhở, khiếm khuyết trong ta, quanh ta, từng chút một và kiến thiết một cảnh giới an lành từ chính cách ta nghĩ, từ miệng ta nói, thân ta làm (tam nghiệp). Nói gọn là đoạn ác, làm lành, trong đó cái ác đầu tiên phải đoạn chính ta thôi trách móc, thôi những giằng xé đớn đau mà ta đã từng làm, từng cảm nhận bằng sự chênh vênh của mình từ ngày này sang ngày khác, năm này sang năm nọ, kiếp này qua kiếp khác trước đó.

Ờ, đoạn ác, là đoạn những suy nghĩ ấu trĩ, lời nói bạo động, gieo rắc đau thương, phiền muộn, và tuyệt đối không làm những điều tổn hại mình, tổn hại người ở hiện tại cùng tương lai muôn kiếp… Nguyện vậy, tin vậy, hành vậy thì ta sẽ nhẹ nhàng bước qua những chênh vênh, nông nỗi. Nhanh thôi!

Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 6
Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 6

Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 3

Trên mạng xã hội mọi người hay có một câu hỏi là: "Nếu bạn không cố gắng có một cuộc sống tốt hơn. Thì bạn li biệt quê hương để làm gì?"

Có người rời quê hương để học cao hơn, trải nghiệm nhiều hơn, để đi làm kiếm tiền, còn mình chỉ vì lý do đơn giản là không phải về nhà. Đó cũng là cuộc sống tốt hơn của mình rồi!

Ở trên thành phố nơi đất khách quê người đi làm có khi cả 14-16 tiếng một ngày, có vất vả có hèn kém ra sao khi trở về căn phòng trọ bé tý tẹo 15m2, mình vẫn cảm thấy thoải mái hơn khi về NHÀ.

Mỗi lần về quê, nhà cao cửa rộng thật đấy, nhưng chỉ toàn người già lủi thủi trông cháu chờ con về. Nhưng con cái chỉ về hai ba hôm rồi lại đi luôn vì bố mẹ khó quá, động tý là chử.i mắn.g. Biết là khác biệt thế hệ, biết là thương nhưng có cố gắng thật nhiều cũng không thể hoà hợp được.

Áp lực bên ngoài chưa bao giờ đáng sợ bằng tin nhắn, cuộc điện thoại giữa đêm của người nhà.

Tiếng la hét chửi bới, tiếng khóc nức nở giữa đêm hoà vào một. Một đời người là quá dài sao phải dằn vặt làm tình làm tội làm khổ nhau thế này cơ chứ.

Có người bảo mình "nếu em không làm như thế sau này thế kia theo ý của bố mẹ, họ có làm sao thì em sẽ hối hận cả đời đấy".

- Thế cuộc đời của em thì sao ạ?

Mình đã làm hết tất cả những gì mình có thể làm - đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ, cố gắng hết mình mà một người con có thể làm rồi nhưng vẫn không bao giờ là đủ.

Mình hối hận không. Có chứ. Mình hối hận vì đã có rất rất nhiều lần mình nhượng bộ, đã có rất nhiều lần mình thoả hiệp, để người khác muốn làm gì thì làm.

Nhưng giờ thì khác, mình cũng cần phải sống cuộc đời của riêng mình.

Câu nói "mình không có nhu cầu được sinh ra" có lẽ nghe nó nói thật vô cảm và buồn cười nhưng mà cay đắng thật sự! Đã bao giờ có ai hỏi tại sao họ phải thốt ra những lời như thế hay chưa. Và cũng đã ai hỏi suốt quãng thời gian qua họ đã thực sự được sống như một con người hay chưa?

Tình thân là thứ khiến người ta có thể dựa vào lúc khó khăn, là động lực mỗi khi mình gục ngã. Nhưng cũng là thứ khiến mình rơi vào một vòng luẩn quẩn của trò chơi cuộc đời...

Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 3
Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 3

Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 4

Tôi chênh vênh.

Người ta hay nói 25 tuổi là độ tuổi của chênh vênh. Đi hết quãng tư cuộc đời mới ngoái lại tự hỏi bản thân: Có hạnh phúc với sự lựa chọn hiện tại không? Có nỗ lực hết sức không? Có đi đúng hướng không? Có yêu đúng người không? Ở cái tuổi ấy, con người bắt đầu lao vào cuộc chiến cơm áo gạo tiền, bận tâm với cuộc sống, với các mối quan hệ, và cả tổ ấm nhỏ của mình. Thực ra, tôi nghĩ tính từ thích hợp để miêu tả cho 25 là "loay hoay." Xoay trái, nghẹo phải, bước lên, lùi xuống để tính toán từng đường đi nước bước chậm mà chắc, vì thế giới người lớn không đủ bao dung cho những bước chân sai. Tuổi 25, đã có "gì đó" để mất.

Tuổi 21, chả có gì nhưng vẫn sợ mất. Thế mới bi (và) hài! Tuổi 21 mới là quãng thời gian thích hợp nhất để nói là "chênh vênh"- một trạng thái mang chút gì đó mơ hồ, vô định, và bấp bênh. Chẳng dám xoay trái hay nghẹo phải đâu, vì đến đi còn chưa vững.

Con người ta thường chênh vênh khi đứng trước ngưỡng cửa rộng lớn của cuộc đời vì thấy bản thân còn quá nhỏ bé. Thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng dễ mắc FOMO (Fear Of Missing Out) khiến bản thân họ không thể hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Giả sử đứng giữa lựa chọn được đi du lịch 1 trong 10 địa điểm, người mắc chứng FOMO sẽ nuối tiếc 9 điểm còn lại thay vì tận hưởng tại nơi anh ta chọn. Và cứ như vậy, xu hướng này cản trở quá trình trải nghiệm của con người, khiến chúng ta mải miết tìm kiếm thứ tuyệt vời hơn và không trân trọng những gì mình đang có. Với những gì dồi dào và hào phóng của thế kỷ mới, con người càng trở nên chênh vênh khi đứng trước vô vàn sự lựa chọn nhưng không biết sự lựa chọn nào mới là tốt. Nói theo kinh tế học, bạn khó có thể đưa ra sự lựa chọn khiến mình hài lòng vì chi phí cơ hội là quá cao.

Chênh vênh còn là khi không có sự lựa chọn nào. Những người 20 hay lờ mờ sau 20 - những đứa trẻ đang tập-làm-người-lớn bắt đầu mò mẫm trên quãng đường đời với vô vàn sỏi đá, khúc khuỷu. Tưởng chừng một cú hích nhẹ của cuộc đời có thể dồn ta vào đường cùng ngõ hẻm, dù có dốc sức bình sinh để bám víu nhưng rốt cuộc vẫn chênh vênh rồi ngã xuống vực thẳm. Trải qua vài ba lần xô xát với cuộc đời, những cô gái chàng trai tuổi đôi mươi mới thèm khát bẻ cong thời gian để vĩnh viễn đứng yên, để không phải giằng co với nó.

Thực ra, chênh vênh là một đặc quyền của tuổi trẻ. Sẽ hoàn toàn ổn nếu ta xin tạm nghỉ một thời gian để dành ra cho bản thân chút thời gian để tĩnh tâm lại và trả lời những chất vấn trong lòng một cách trung thực nhất. Thuật ngữ "đưa nhau đi trốn" của chàng rapper Đen Vâu phải chăng cũng là để nói hộ tâm tư của những người trẻ đang ngột ngạt với guồng quay cuộc sống hay sao?

Phải, hãy cứ "đi trốn", nếu cần. Nhưng hãy nhớ rằng, đừng trốn, hay nói đúng hơn, đừng chênh vênh lâu quá. Tuổi trẻ chỉ đến duy nhất một lần và qua nhanh như cơn mưa mùa hạ, ta đừng phí hoài thanh xuân của mình chỉ vì sợ đối mặt với hiện tại. Chênh vênh không phải cái cớ để trở nên lười biếng và thiếu trách nhiệm với bản thân mình, vì đến 40, 50 tuổi, bạn sẽ trở thành một con người không-có-lí-tưởng thay vì chênh-vênh.

Trong bộ phim "Mr. Nobody", trước khi nhân vật chính (Nemo Nobody) được sinh ra, các thiên thần đã quên xoá kí ức cho cậu và khiến cậu có thể nhìn chính xác chuyện tương lai. Bộ phim là sự kết hợp của những cảnh quay rời rạc, miêu tả hàng trăm viễn cảnh cuộc đời Nemo mỗi khi cậu đưa ra bất kì sự lựa chọn nào. Kết phim, Nemo Nobody sống hàng trăm cuộc đời nhưng không ai biết Nemo là ai, từ đâu đến, thân phận ra sao khi ông 118 tuổi.

Thay vì đặt câu hỏi "Lựa chọn thế nào mới là đúng?," có lẽ ta nên tin rằng mọi sự lựa chọn đều đúng. Mọi ngã rẽ đều đưa ta đến nơi ta cần đến, gặp người ta cần gặp, và giúp ta trở thành người ta cần trở thành. Mọi ngã rẽ đều rồi dẫn về định mệnh, chỉ cần ta tin vào nó.

Gửi những người trẻ đang chênh vênh,

Khi chênh vênh, hãy chắc rằng bạn không ngã. Đừng trượt dài với những đêm dài trằn trọc rồi tự trách mình chưa đủ tốt. Đừng nuối tiếc những sự lựa chọn và ước mình có thể làm khác đi. Cũng đừng để sức nặng của cuộc sống đè bẹp lên sự kiêu hãnh và giá trị của bản thân mình. Sự gan dạ là kim chỉ nam cần thiết để bứt phá ra khỏi cái chênh vênh. Gan dạ để sống, để lựa chọn, để vấp ngã. Gan dạ bứt ra khỏi tổ kén mà mình ngủ trong đó quá lâu, vượt qua những lăn tăn tầm thường để nâng cánh bay về phía mặt trời, tích luỹ nào hoa nào phấn để con người mình lấp lánh hào quang.

Hình như, phải trải qua sự chênh vênh ấy, ta mới có những ngày chắc chắn.

Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 4
Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 4

Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 1

Chỉ một câu nói đó thôi, mà bao nhiều tủi thân cô độc bên trong như trực trào. Là chút động lực để vượt qua hố sâu thăm thẳm mà tâm trí đang cố tra tấn đánh lừa.

Cố gắng, nỗ lực hướng về phía trước, nhưng đồng thời cũng thả lỏng thư giãn để bớt cưỡng cầu. Bớt đi những áp lực vô hình không tên.

Nếu được chọn, ai chẳng muốn được thảnh thơi mà vui sống. Được bình an trước sóng gió cuộc đời. Nhưng đời vậy mà cũng bớt đi cái thú.

Sóng gió, thử thách, đến làm bạn có thể mệt hơn. Nhưng đời vậy mà trở nên sinh động. Những thước phim cứ đến rồi đi trong hành trình của bạn, chuyển cảnh liên tục. Và bạn cũng đổi vai không ngừng. Có một số vai chẳng đúng như ý muốn của bạn, nhưng đời đã cho nó đến với bạn, thì hẳn là có lý do. Bạn có thể sáng tạo hơn chút, bớt chống đối hơn chút, thì tự nhiên "vai diễn" ấy cũng nhờ vậy mà trở nên dễ chịu hơn.

Có lúc bạn không rõ mình đang đóng vai gì, thì nó vẫn đang là một vai. Bạn chỉ cần nhận biết.

Dù với vai nào, đó cũng là bạn, với đủ các sắc thái khác nhau. Có tốt có xấu. Có tiêu cực có tích cực. Nhưng quan trọng là qua mỗi lần trải nghiệm đó, bạn không ngừng tin vào giá trị nơi mình, mà vững bước đi tiếp.

Nên là, cố lên tôi ơi!
Rồi mọi thứ sẽ tốt thôi! Ai thì cũng sẽ vậy.

Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 1
Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 1

Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 5

Sau này ngẫm lại, không hẳn ngẫu nhiên mà người ta ví von cuộc đời như một dòng sông, mà hẳn mỗi người trôi trên cái con sông ấy, thì làm gì có ai vững như ngồi bất động mà không chênh vênh. Có lẽ, con người ta chỉ thực sự ổn an khi không còn tiến lên nữa.


Mỗi người tiếp nhận những cảm xúc tiêu cực một cách khác nhau, ai rồi cũng có những lúc chẳng biết phải làm gì, chẳng biết mình muốn gì và chẳng thể làm được gì. Người ta sợ sự bất lực của bản thân, sợ những thua kém và sợ cả việc theo đuổi những gì mình cho là đúng.

Giống như cô gái trong bài hát "Drivers License" của Olivia Rodrigo, đôi khi lúc niềm vui đạt được lại là lúc bạn chẳng thể chia sẻ chúng với ai, chỉ biết chạy xe hết con đường này đến con đường khác để vượt qua cảm xúc tiêu cực đang chiếm lấy bản thân. Ngay cả lúc ta thấy mình ổn nhất, bản thân chúng ta vẫn chênh vênh đến lạ.

Đôi khi người ta cũng cảm thấy cuộc đời sao khó khăn quá, như gia đình Hàn Quốc trong bộ phim "Minari". Bên cạnh họ luôn đầy những vấn đề và rắc rối, hết hoạn nạn này lại đến hoạn nạn khác. Nhưng dù ngập những mâu thuẫn, cuộc sống của họ luôn được bao quanh bởi sự an yên nơi đồng quê nước Mỹ, trong suối nguồn đầy rắn độc cũng vẫn vươn lên những hàng rau cần nước kiên cường. Ở đó, chúng ta học được rằng, trong khó khăn luôn có sự an nhiên. Ở đó có hai thái cực, tồn tại song song, chông chênh nhưng khó lòng bị quật ngã.

Con người ta tham vọng đến mấy, khát khao đam mê đến mấy, cũng sẽ có những phút yếu lòng, có những phút tự vấn bản thân rằg những gì ta đang làm có đáng không? Có thực sự dành cả thanh xuân theo đuổi chúng thì sẽ thành công không?

Bạn có bao giờ tự hỏi, chính những ngày chênh vênh như thế này, bạn lại thấy yêu cuộc sống của mình hơn không? Bạn thấy cô đơn không phải để buồn chán, bạn thấy cô đơn để nhấc máy lên, gọi một cuộc về nhà, nói chuyện với một ai đó để thấy xung quanh mình còn đầy ắp những yêu thương. Bạn thấy trống rỗng, để biết bản thân cần đi tìm những thứ lấp đầy tâm hồn chán nản kia, để phá vỡ quy tắc một chút và để lắng nghe trái tim bạn đang khao khát điều gì.

Và bạn thấy chênh vênh, không phải sau một giấc ngủ mỏi mệt, mà là sau một khoảng thời gian cố gắng, lại vẫn thấy bản thân chưa đủ lớn để vượt qua những chênh vênh ấy. Nhưng chênh vênh thôi mà, lắc lư một xíu chứ đâu phải ngã oặt xuống đâu. Sông thì vẫn chảy, đời thì vẫn trôi. Đôi khi, chênh vênh một chút để biết mình mệt rồi, lại ngủ thêm một giấc để tỉnh dậy chiến đấu thôi!

Để kết lại bài viết này, tôi xin mượn vài dòng trong cuốn "Xuyên Mỹ - Bất Hạnh Là Một Loại Tài Sản" của nữ tác giả Phan Việt:

“Trước khi đi ngủ, tôi ngồi trên sàn nhà, cúp gập người cho trán chạm sàn nhà. Tôi sẽ bắt đầu lại từ thời điểm này trong đời tôi. Tôi sẽ bắt đầu lại một cách sạch sẽ, không nợ nần ai, không mang theo gánh nặng nào của ngày hôm qua.

Tôi xin được tha thứ về bất kì ý nghĩ, lời nói, việc làm không hay nào mà tôi đã làm với bất kì ai, vào bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu, dù tôi có lý do chính đáng để làm thế hay không, dù họ có biết hay không.

Tôi cũng tha thứ cho tất cả những gì người khác đã làm với tôi, bất kể họ là ai, vào bất cứ lúc nào, vì bất kì lý do gì, dù tôi có biết hay không.

Tôi cầu chúc bình an cho tất cả mọi người trên thế giới.

Tôi sẽ bắt đầu lại cuộc đời tôi từ chỗ này.”

Hãy yêu và thương lấy những chênh vênh, vì chúng cũng là những sắc màu trong bức tranh cuộc đời bạn.

Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 5
Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 5

Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 2

Khó nhất không phải chuyện xây nhà mà là biến ngôi nhà ấy thành mái ấm. Khó nhất không phải chuyện dựng vợ gả chồng mà là sau bữa tiệc cưới linh đình ấy, cả hai có thể sống hạnh phúc bên nhau. Nhiều người cứ ngỡ rằng, khi yêu nhau, khi coi nửa kia là tất cả thì chỉ cần ở bên nhau thì hạnh phúc tự khắc sẽ có.

Hôn nhân không hề đơn giản. Chỉ những ai bước vào rồi mới nhận thấy nó thực sự là một “cuộc chiến”.

Kết hôn đơn giản lắm. Nếu có điều kiện thì mâm cao cỗ đầy, còn không có nhiều tiền thì một bữa tiệc ấm áp, giản đơn là đủ. Nhưng cuộc sống hiện tại, nhiều người vẫn ra sức tổ chức cho mình một đám cưới thật lớn, thật hoành tráng như để ngầm minh chứng cho thiên hạ thấy tình yêu và hạnh phúc của mình.

Thế nhưng, có một đám cưới thật linh đình, thật xa hoa chưa chắc vợ chồng đã có thể sống đi cạnh nhau đến suốt cuộc đời.

Khi bước vào hôn nhân, không chỉ có tình yêu mà còn là bổn phận và trách nhiệm. Sẽ không còn là những buổi hẹn hò lãng mạn, chỉ cần nhìn thấy nhau, nắm tay nhau là đã thấy hạnh phúc.

Trước khi cưới, ai cũng nghĩ rằng chỉ cần sống một nhà với người mình yêu, được ăn cơm cùng nhau, tối ngủ chung giường thì chẳng còn hạnh phúc nào bằng. Nhưng hôn nhân còn là nước mắt, còn là những tổn thương, những gánh nặng của mưu sinh, những giây phút cám dỗ ngoài vợ ngoài chồng. Mái ấm nhỏ tựa như con thuyền giữa dòng nước, nếu cả hai vợ chồng không đồng tâm, đồng lòng thì con thuyền ấy sẽ chìm nghỉm.

Hôn nhân, buộc con người ta phải sống khác đi, dẹp bỏ cái tôi ích kỉ và to lớn của mình. Lắng nghe tiếng nói của người bạn đời, học cách chấp nhận và yêu thương nhiều hơn. Hôn nhân cũng khiến con người ta bớt mơ mộng và sống thực tế đi rất nhiều.

Cả vợ và chồng sẽ không còn là hình bóng hoàn hảo của những ngày yêu nhau. Mà thay vào đó là người bạn đời với muôn vàn thói hư tật xấu. Hôn nhân giúp con người ta trưởng thành lên từng ngày.

Có những giai đoạn mà hôn nhân dễ đổ vỡ nhất: Lúc vợ mang thai chồng không được giải tỏa sinh lí, khi sinh con đầu lòng, khi thiếu thốn tiền bạc, khi có sự xuất hiện của người thứ ba… Bao nhiêu cám dỗ, bao nhiêu tổn thương cũng khiến người trong cuộc hoài nghi về người bạn đời của mình. Hôn nhân đâu phải chỉ có ấm êm, có những buổi tối màu hồng mà còn là sự dằn vặt và day dứt giữa việc nên ở hay nên đi, nên tha thứ hay là buông bỏ.

Để sống hạnh phúc với nhau thật sự rất khó. Cuộc đời ngoài kia có muôn vạn điều có thể làm tổn thương gia đình nhỏ bé của chúng ta. Cả vợ và chồng, cần có bản lĩnh, cần đủ tin tưởng, đủ bao dung, mới có thể đi qua năm dài tháng hạn cùng nhau.

Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 2
Tản văn viết cho những ngày chênh vênh số 2

Đăng ngày 17/07/2024, 40 lượt xem