Top 10 Bài văn phân tích 3 khổ thơ cuối bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải hay nhất

Bài tham khảo số 1

Trong cuộc sống, có những người khao khát góp cho đời những chiến công vĩ đại, những giấc mơ kì vĩ, lại có những người mong mỏi dâng hiến cho đời những điều bình dị, đơn sơ mà ý nghĩa. Điều đó được thể hiện rất rõ trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải, đặc biệt trong ba khổ thơ cuối.

Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được viết năm 1980 trong khung cảnh tươi sáng của hòa bình và công cuộc xây dựng đất nước. Bài thơ gồm bảy khổ và tựa như khúc hát êm đềm về tình yêu cuộc đời, tình yêu đất nước nồng hậu. Ba khổ thơ cuối kết tinh tình yêu ấy bằng triết lí sống giản dị nhưng thật đáng trân trọng. Nếu khổ năm là nguyện cầu hóa thân, khổ sáu là nguyện ước dâng hiến thì khổ bảy là khúc ca yêu thương thắm nồng. Sự liên kết chặt chẽ giữa ba khổ thơ (hóa thân để dâng hiến, dâng hiến để góp phần vào khúc nhạc mùa xuân chung của đất nước) đã gieo vào lòng ta những suy ngẫm sâu xa về cuộc đời Thanh Hải, cuộc đời của chính mình và về mối quan hệ của mỗi công dân với Tổ quốc.

Khổ năm mở ra những nguyện cầu hóa thân, với biện pháp điệp được sử dụng một cách tự nhiên mà đầy hứng khởi:

Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Đại từ xưng hô “ta” gợi ra sự hài hòa, xóa nhòa ranh giới giữa tác giả với bạn đọc. Vậy “ta” hóa thân thành những gì? Tại sao “ta” không chọn những đối tượng khác mà lại chọn những đối tượng này để nhập thân? Thanh Hải nhắc đi nhắc lại “ta làm” (hai lần), “ta nhập” để khẳng định sự lựa chọn của mình. “Con chim hót”, “cành hoa”, “một nốt trầm”… tất cả đều nhỏ nhắn, giản dị và khiêm nhường. Đó là những điều bình thường ít ai chú ý trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng cuộc sống này sẽ trở nên vắng lặng, buồn tẻ biết bao nếu thiếu tiếng hót líu lo của chú chim bé nhỏ. Cuộc sống này sẽ nhạt nhòa và vô vị biết bao nếu thiếu sắc màu của những nhành hoa. Và cuộc sống này sẽ khô khan lắm nếu không còn những nốt nhạc, những giai điệu lòng người. Như vậy, những đối tượng nhà thơ muốn hóa thân tuy bé nhỏ nhưng lại có ý nghĩa đẹp đẽ đối với con người và cuộc đời. Màu sắc, thanh âm đều là những nét vẽ không thể thiếu để bức tranh cuộc sống có thể bừng lên rực rỡ và tràn đầy sức sống. Đó cũng là những điều tuyệt vời để làm nên mùa xuân tươi đẹp dâng cho đời:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

Mùa xuân đất nước được dệt nên bởi những mùa xuân “nho nhỏ”, bình dị mà ý nghĩa như vậy. Triết lí sống của Thanh Hải thật giản đơn, ông đã sống một cuộc đời bình dị nhưng đó là một cuộc đời có ý nghĩa với những đóng góp cho cách mạng và những người thân yêu. Điều này càng khiến ta xúc động hơn khi triết lí ấy được khẳng định một lần nữa vào những ngày tháng cuối cùng của Thanh Hải, khi bài thơ ra đời ngay trên giường bệnh và một tháng trước khi ông qua đời. Dù là thời thanh xuân cháy sáng hay khi tóc đã bạc, tuổi đã cao, Thanh Hải vẫn cứ cần mẫn với mùa xuân nho nhỏ của đời mình để góp phần vào mùa xuân đất nước. Triết lí ấy không chỉ được chứng minh bằng trải nghiệm, bằng cuộc đời của chính nhà thơ mà từ xưa tới nay, lớp lớp thế hệ bao đời đã sống cùng triết lí ấy. Dẫu là mùa xuân sôi nổi được vang danh tên tuổi của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trịnh Công Sơn, Ngô Bảo Châu… hay những mùa xuân bình dị của những cô thanh niên xung phong, những bà mẹ nghèo, những người lao động cần cù cả đời không bao giờ được biết đến tên tuổi đều là những viên gạch hồng đặt ngay ngắn, trân trọng trên hành trình dài của dân tộc Việt. Ngày nay, nhiều bạn trẻ đôi khi cảm thấy chán nản và cô đơn trước nhịp sống hiện đại, quay cuồng trong công nghệ và những thiết bị thông minh, hối hả với áp lực công việc, nhưng mong rằng các bạn sẽ tìm được sự thanh thản trong tâm hồn và ý nghĩa của bản thân. Khổ thơ cuối là khúc đồng ca của nhà thơ về quê hương đất nước:

Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế

So với những khổ trên, khổ cuối có thêm một dòng thơ như là kết quả của cảm xúc dâng tràn. Cả khổ thơ bừng dậy niềm vui và tràn đầy tình yêu của Thanh Hải. Nam ai và Nam bình là những làn điệu dân ca trứ danh của Huế, quê hương thân yêu của nhà thơ. Phách tiền là một loại nhạc cụ truyền thống. Trong khúc hát ấy, quê hương đất nước bao la tươi đẹp “nước non ngàn dặm”, là tình người, tình đời mênh mang bát ngát: “nước non ngàn dặm tình”.

Ba khổ thơ cuối một mặt nối tiếp những cảm nhận về mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, những suy tư về mùa xuân đất nước, mặt khác đem lại dư âm lắng đọng cho bài thơ bằng triết lí sống ý nghĩa. Những câu thơ ngũ ngôn ngắn gọn, chân thành và những biện pháp tu từ như phép điệp, ẩn dụ cùng hình ảnh thơ bình dị gợi, cảm làm, toát lên khao khát được làm một mùa xuân khiêm nhường, hòa vào mùa xuân to lớn của nhân dân, đất nước. Mỗi chúng ta cũng có thể trở thành một mùa xuân nho nhỏ của đất nước khi nỗ lực vươn lên và tìm được niềm vui, ý nghĩa trong học tập, trong công việc của mình. Dù bạn là ai, đang làm gì… Chỉ cần nỗ lực hết mình, nghĩa là bạn đang làm đẹp cho đời.

Bài tham khảo số 1
Bài tham khảo số 1

Bài tham khảo số 1
Bài tham khảo số 1

Bài tham khảo số 3

“Mùa xuân…Mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ…Lặng lẽ dâng cho đời…” điệp khúc ấy được ngân lên dạt dào biết bao trái tim của những người đang cảm nhận, những người đang sống và làm việc đâu đó trên mảnh đất này. Và phải chăng đó là nguồn cảm hứng lớn của nhà thơ Thanh Hải với tình yêu quê hương, yêu cuộc sống và muốn một lần nữa được dâng hiến cho đời. Tình yêu quê hương đất nước và muốn được dâng hiến cho đời mình của tác giả Thanh Hải được thể hiện rõ nhất trong ba khổ cuối của bài thơ.

Trong không khí tưng bừng của đất trời mùa xuân, nhà thơ đã cảm nhận được một mùa xuân tươi trẻ, rạo rực trong tâm hồn. Đó là mùa xuân của lòng người, của đất trời.

“Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”

Điệp từ "ta làm" diễn tả một cách rõ nét của nhà thơ. Nhà thơ muốn làm một con chim, một nhành hoa để dâng tiếng hót của mình cho đời, để tỏa hương thơm ngào ngạt cho sắc xuân. Từ khát vọng được hòa nhập đó nhà thơ đã thể hiện rõ khát vọng cống hiến mình ở những câu thơ tiếp theo:

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

"Mùa xuân nho nhỏ" là cách nói đầy ẩn dụ và đầy sức sáng tạo của nhà thơ. Mỗi người có thể góp một chút sức mình vào đó, dâng hiến là một hành động cho đi mà không đòi hỏi sự đáp lại. Cho dù là trai trẻ hay tóc đã bạc thì điều này vốn không quan trọng bởi khi đã muốn dâng hiến cho cuộc đời, cho quê hương đất nước thì không quan trọng tuổi tác. Khổ thơ cuối là tiếng hát yêu thương nhà thơ ban tặng cho đất nước và dân tộc, như một sự hiến dâng cuối cùng cho quê hương đất nước:

“Mùa xuân - ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế”

Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời mình tác giả thấy quê hương mình thật đẹp và hiện lên một cách có hồn, đây cũng là cách để nhà thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Bài thơ mùa xuân nho nhỏ được viết theo thể thơ năm tiếng với cấu trúc câu gồm bảy khổ, mỗi khổ từ 4 đến 6 câu. Những hình ảnh ẩn dụ đầy sức sáng tạo, biện pháp nhân hóa, điệp ngữ được sử dụng trong bài thơ. Thành công nhất phải kể đến đó là ở ba khổ thơ cuối cùng.

Giữa một mùa thu của cuộc đời mình, tác giả đã liên tưởng đến một mùa xuân tươi đẹp để tô điểm cho cuộc đời với những lời thơ bình dị, trong sáng không hề có một chút u ám của cuộc đời. Không chỉ hay về ý thơ mà còn hay ca ngôn từ, cả nhịp điệu trong bài. Cảm ơn nhà thơ đã mang đến cho người đọc về một bài học, về một lí tưởng sống thực sự cao đẹp biết bao: "sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

Đoạn thơ đã để lại trong lòng người đọc một cảm xúc khó tả, khó phai mờ và mãi trường tồn cùng đất nước, gợi nhắc cho thế hệ trẻ một cách sống đẹp, góp mùa xuân nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.

Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3

Bài tham khảo số 3
Bài tham khảo số 3

Bài tham khảo số 7

Xuân, hạ, thu, đông là bốn mùa của đất trời, mỗi mùa đều mang vẻ đẹp, cho nhân gian tiết khí, cảm xúc riêng. Nói về mùa xuân, đây là thời gian khởi đầu cho một năm, là lúc vạn vật thay áo mới, cây cối đâm chồi nảy lộc, không khí vui tươi nhộn nhịp tràn về khắp mọi nơi. Mùa xuân làm con người ta thấy trẻ, khỏe, dồi dào sinh lực từ đó muốn sống và cống hiến cho đời hơn bao giờ hết. Viết về mùa xuân, nhà thơ Thanh Hải đã có những dòng thơ hay, chất chứa nhiều cảm xúc. Phân tích 3 khổ thơ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ ta sẽ thấy rõ được điều đó.

Nhà thơ Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn, xuất thân trong một gia đình trí thức nghèo có cha làm nghề dạy học, mẹ làm nông. Trong suốt thời kỳ dân tộc ta chịu ách thống trị dã man, tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm và bè lũ tay sai Đế Quốc Mỹ, phải đổ bao nhiêu máu và nước mắt thì thơ ca của Thanh Hải chính là ngọn lửa sáng, thắp vào lòng nhân dân niềm tin yêu Tổ Quốc tha thiết. Thơ ông được biết đến với ngôn ngữ trong sáng, giàu nhạc điệu và chứa đựng bao cảm xúc chân thành, lắng đọng. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được ông viết vào cuối năm 1980 đang lúc nằm trên giường bệnh, đây cũng chính là thời điểm một tháng trước khi nhà thơ qua đời. Đọc bài thơ, bên cạnh thấy được vẻ đẹp, khí thế của đất nước vào xuân, ta còn tỏ tường tình yêu tha thiết của tác giả dành cho mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên. Ba khổ thơ cuối là sự hiến dâng, là nguyện vọng cuối cùng mà Thanh Hải muốn thực hiện cho quê hương, đất nước mình:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến."


Ở khổ thơ này, tác giả ước mơ được hi sinh, được cống hiến. Ước mơ cháy bỏng của tác giả sôi tràn nhiệt huyết, căng tràn nhựa hi sinh, thổi phồng lên một niềm tin bất diệt. Tác giả mơ ước nhưng chỉ nguyện “làm” một cành hoa, một con chim hót. Tác giả như nguyện rằng mình sẽ làm, sẽ làm một tiếng chim, một cành hoa đế góp vào vườn hoa muôn hương muôn sắc, rộn rã tiếng chim. Một cành hoa, một tiếng chim để tô điểm cho phong cảnh mùa xuân tươi đẹp. Đó là ước nguyện lạ thường, không phải nó cao siêu vĩ đại mà tại nó gần gũi quá, đáng yêu quá. Uớc được tô điểm cho mùa xuân, được góp phần tạo dựng mùa xuân là tác giả đã nguyện hi sinh, nguyện công hiến cho sự phồn vinh của đất nước.

Tác giả không mơ được làm một cánh đại bàng lướt gió giữa trời xuân, không mơ được làm nốt nhạc vút cao trong dàn hòa ca bay bổng. Tác giả chỉ nguyện làm một tiếng chim hót, một nốt trầm nhưng xao xuyến lòng người. Một ước mơ nho nhỏ, chân tình.

"Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc"

Đầu đề của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ" là như vậy. Mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân lớn lao của đất nước. Đó là ước nguyện của tác giả, nguyện sẽ mãi mãi được làm việc, được hi sinh, cống hiến. Tác giả muốn góp vào mùa xuân chút công sức nhỏ bé của mình. Đó là ý thích, là niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp, cũng là tấm lòng chân tình của tác giả. Tác giả không mơ ước xa xôi: Một mùa xuân nho nhỏ

Vâng! Mùa xuân nho nhỏ, rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn lao. Bởi tấm lòng của tác giả luôn hướng tới sự cống hiến tốt đẹp, bởi một mùa xuân nho nhỏ sẽ vẽ lên mùa xuân đất trời rộng lớn. Mùa xuân của tác giả chẳng ồn ào náo nhiệt mà âm thầm lặng lẽ hiến dâng, chẳng phô trương, không cần ai biết đến: Lặng lẽ dâng cho đời.

"Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế”

Sau khi bày tỏ rằng bản thân chẳng mong muốn những điều lớn lao mà đơn giản chỉ là “Một mùa xuân nho nhỏ – Lặng lẽ dâng cho đời”, nhà thơ đã cất lời ca ngợi quê hương đất nước qua điệu dân ca xứ Huế. Mỗi lần câu thơ “mùa xuân ta xin hát” vang lên là mỗi lần bao bồi hồi, ước muốn, khao khát của Thanh Hải được tái hiện rõ nét trước mắt độc giả. Trước mùa xuân của đất trời, mùa xuân thắng lợi của Tổ quốc, tác giả muốn cất tiếng ca, muốn hòa mình vào không khí rộn ràng ấy. “Nam ai” và “Nam bình” được nhà thơ nhắc đến ở đây chính là hai điệu dân ca ngọt ngào của Huế mộng mơ còn “phách tiền” là loại nhạc cụ dân tộc dùng để điểm nhịp cho lời ca, tiếng đàn tranh và đàn tam thập lục. Đề cập đến những chi tiết này, nhà thơ muốn ca ngợi và thể hiện lòng yêu mến của mình đối với di sản văn hóa phi vật thể của quê hương ông nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Trải dài theo lãnh thổ của đất nước chính là tình yêu tha thiết của Thanh Hải “ngàn dặm mình – ngàn dặm tình”, như bao người con khác của dân tộc, nhà thơ yêu từng con sông, dãy núi, yêu cánh đồng có con cò “bay lả bay la”, yêu tiếng mẹ ầu ơ mỗi chiều say ngủ. Ông muốn khắc ghi thật sâu, thật rõ vẻ đẹp của quê hương đất nước mình, nơi mà ông đã dành cả đời cống hiến, hy sinh, dành cả tuổi xuân để yêu thương, gìn giữ. Đọc những dòng thơ tràn đầy nhiệt huyết và khao khát mãnh liệt như thế này, ít ai ngờ rằng nó xuất phát từ một tâm trí, một trái tim, một sự sống yếu ớt sắp về với đất mẹ. Chính tình cảm phải gọi là phi thường và đặc biệt này đã khiến cho tác phẩm của Thanh Hải giờ đây vẫn còn vang vọng mãi, trường tồn mãi với thời gian, với tuổi xuân của đất nước, đi ngược lại mọi quy luật khắc nghiệt của nhân sinh, tạo hóa.

Ngay từ đầu “Mùa xuân nho nhỏ” đã gây ấn tượng bởi chính cái tên của mình vì mùa xuân vốn là khái niệm chỉ thời gian thế mà ở đây lại có hình khối “nho nhỏ”, là thứ có thể nhìn thấy và cầm nắm được. Thanh Hải mượn hình ảnh này để ẩn dụ cho khát vọng muốn góp sức mình làm đẹp thêm cho mùa xuân lớn hơn của quê hương đất nước. Cách nói khiêm nhường nhưng đủ để người đọc thấy được lẽ sống cao đẹp, tình cảm chân thành, đậm sâu của nhà thơ. Phân tích ba khổ thơ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ với thể thơ năm chữ năm chữ gần gũi, nhiều hình ảnh đẹp, giản dị cùng lối viết ẩn dụ sáng tạo, ta thêm khâm phục tài năng của Thanh Hải và thấm thía sâu sắc tình yêu mà ông đã dành trọn cho quê hương Tổ quốc.

Bài tham khảo số 7
Bài tham khảo số 7

Bài tham khảo số 7
Bài tham khảo số 7

Bài tham khảo số 4

Mùa xuân là mùa của tình yêu, sức sống dào dạt và cũng là mùa khơi nguồn cho bao áng thi ca, nhạc họa. Nếu chọn những bài thơ hay nhất viết về mùa xuân, tôi tin chắc không thể vắng bóng Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải. Thi phẩm là sự kết tinh, lắng đọng của một tài năng thơ đang độ chín muồi. Bài thơ không chỉ hấp dẫn bạn đọc bởi khung cảnh mùa xuân mộng mơ nơi xứ Huế mà còn bởi khát vọng cống hiến cháy bỏng, dạt dào:

"Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến."

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc."

Mùa xuân nho nhỏ là bài thơ cuối cùng của nhà thơ Thanh Hải, được viết khi nhà thơ nằm trên giường bệnh, chỉ mấy ngày trước khi ông qua đời. Có lẽ vì vậy, bài thơ như một lời tâm niệm, chất chứa bao cảm xúc, suy tư của nhà thơ trọn đời gắn bó với cách mạng, đất nước. Mở đầu đoạn thơ, tác giả nêu lên trực tiếp ước muốn, nguyện vọng của mình:

"Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến."

Khát vọng được dâng hiến cho quê hương, đất nước không phải chỉ có ở riêng nhà thơ Thanh Hải song khẳng định một cách mạnh mẽ, dứt khoát và thiết tha mong ước cao cả đó, có lẽ chỉ có ở ông. Điệp từ “ta làm” được lặp lại hai lần kết hợp với biện pháp lặp cấu trúc ngữ pháp khiến cho nhịp thơ vừa uyển chuyển, nhịp nhàng vừa mạnh mẽ. Không ước mơ trở thành cái gì quá lớn lao, cao sang, vĩ đại, những điều tác giả mong muốn thật bình dị nhưng đầy ý nghĩa. Nhân vật trữ tình muốn làm “con chim hót” để ca ngợi đất nước đẹp giàu, muốn làm “cành hoa” để toả hương, khoe sắc cho đời, muốn làm “nốt trầm xao xuyến” để góp phần làm nên bản hoà ca của cuộc đời. Mong muốn giản dị thôi nhưng chính những điều đó làm cho cuộc sống này trở nên tươi đẹp hơn, ý nghĩa, kì diệu hơn. Ta bắt gặp sự đồng điệu giữa tâm hồn thơ Thanh Hải với tâm hồn nhạc sĩ Trương Quốc Khánh - tác giả khúc ca Tự nguyện:

"Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng

Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương

Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm

Là người, tôi sẽ chết cho quê hương"

Đó là sự gặp gỡ của những tâm hồn nghệ sĩ ý thức được vai trò, trách nhiệm cao cả của mình với quê hương. Nhà thơ Thanh Hải và nhạc sĩ Trương Quốc Khánh đều có ước muốn thật thanh cao, đẹp đẽ. Điểm khác biệt của hai nghệ sĩ là ở cách thức thể hiện. Nếu trong lời ca của Trương Quốc Khánh, ông sử dụng lối viết giả thiết, với sự điệp lại của liên từ “nếu” thì nhà thơ Thanh Hải dùng lối viết khẳng định “ta làm” ; “ta nhập”. Người đọc trân trọng trái tim ấm nóng, gắn bó với quê hương đất nước của hai tâm hồn nghệ sĩ.

Nhà thơ Thanh Hải thực sự khiến người đọc ngưỡng mộ, khâm phục bởi khi cái chết cận kề, ông vẫn mang trong mình những trăn trở, khát vọng dâng hiến cho quê hương, đất nước. Đỉnh cao của ước vọng hiến dâng ấy là niềm mong muốn được là “mùa xuân nho nhỏ”:

"Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc."

Vẫn không phải là một mùa xuân lớn lao, ôm trùm vũ trụ, nhà thơ chỉ mong là một “mùa xuân nho nhỏ” ấm áp. Hình ảnh ẩn dụ “mùa xuân” thể hiện phần tốt đẹp của mỗi người, là tài năng, trí tuệ, là sức sống. Nhà thơ muốn đem hết tâm hồn, sức lực và cả sự sống của mình cống hiến cho sự phát triển của quê hương, đất nước dấu yêu. Sự dâng hiến lớn lao đó không khoa trương, ồn ào mà chỉ “lặng lẽ dâng cho đời”. Động từ “dâng” thể hiện một thái độ thành kính, trân trọng, nâng niu. Nhà thơ nguyện cống hiến hết mình cho Tổ quốc:

"Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc."

Hình ảnh hoán dụ “tuổi hai mươi”, “tóc bạc” thể hiện thời gian của đời người, thể hiện khát vọng cống hiến hết mình, trọn đời của nhà thơ. Cho dù đó là khi trẻ trung căng tràn nhựa sống hay khi đã về già thì ông cũng không lúc nào nguôi niềm mong ước được hiến dâng.

Với lời thơ năm chữ nhẹ nhàng, lắng sâu, nhà thơ Thanh Hải đã thực sự làm lay động trái tim biết bao bạn đọc. Khát vọng cháy bỏng được hiến dâng của nhà thơ thể hiện một tình yêu quê hương tha thiết. Khát vọng đó càng đáng quý, đáng trân trọng hơn bởi đó là mong ước sau cùng của con người sắp từ giã cõi đời. Ta hiểu rằng, sự cống hiến không bị giới hạn bởi tuổi tác, chỉ cần con người có một trái tim luôn ấm nóng và biết sống vì người khác. Hai khổ thơ thực sự mang đến những bài học quý giá cho thế hệ trẻ hôm nay. Liệu chúng ta đã, đang và sẽ làm được gì để cống hiến cho quê hương, đất nước mình? Mỗi người hãy phấn đấu trở thành những “mùa xuân nho nhỏ” để đất nước ngày càng đẹp tươi.

Bài tham khảo số 4
Bài tham khảo số 4

Bài tham khảo số 4
Bài tham khảo số 4

Bài tham khảo số 8

Công cuộc xây dựng xã hội mới đòi hỏi những con người mới biết cống hiến, biết hi sinh. Nhà thơ Thanh Hải, một nhà thơ cách mạng đã thấm nhuần quan điểm trên. Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ” đã thay ông nói lên niềm tâm sự, khát vọng được cống hiến cho mùa xuân của đất nước. Với lối viết bình dị, nhẹ nhàng, thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu đời tha thiết. Ông đã gửi gắm tình cảm đó của mình trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Nhất là ở ba khổ cuối cùng, nỗi khát vọng được hóa thân và dâng hiến cho cuộc đời được thể hiện rất rõ ràng.

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.”

Ở khổ thơ này, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ điệp cấu trúc “ta làm…ta nhập” cùng nhịp thơ nhẹ nhàng, như một lời tâm tình về những ước muốn của mình. Ông muốn hóa thân thành “con chim” cất lên tiếng hót rộn rã, tươi vui, muốn làm “cành hoa” tươi đẹp, tỏa hương thơm ngát cho đời. Và đặc biệt, nhà thơ còn muốn trở thành một “nốt trầm xao xuyến” trong một bản hòa ca. Vì sao lại là nốt trầm? Những nốt trầm thường ít khi được để ý hơn so với nốt cao. Thế nhưng, bản nhạc nào cũng phải có nốt trầm thì mới thực sự hài hòa. Cả ba hình ảnh “con chim hót”, “cành hoa”, “nốt trầm xao xuyến” đều có sự đối ứng với khổ đầu tiên của bài thơ. Việc lặp lại các từ ngữ đó như muốn khẳng định mong ước góp phần công sức nhỏ bé của mình để tô đẹp thêm cho cuộc đời. Không những thế, đại từ nhân xưng “ta” vừa dùng để chỉ bản thân một người, vừa chỉ một cộng đồng nào đó. Thế nên đây có lẽ không chỉ là ước muốn của Thanh Hải mà còn là suy nghĩ chung của rất nhiều người khác.

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.”

Những khao khát ở khổ trước được tựu chung lại thành “mùa xuân nho nhỏ”. Đây là nhan đề của bài thơ, cũng là cụm từ mang nghĩa ẩn dụ. “Mùa xuân” là danh từ chỉ khoảng thời gian đầu tiên trong một năm mới, đó là lúc vạn vật sinh sôi nảy nở. Trong câu thơ này, “mùa xuân” được hiểu là những điều tinh túy, đẹp đẽ nhất trong cuộc đời con người. Kết hợp với “nho nhỏ”, ta có thể hiểu đó là những điều tuy bé nhưng tốt đẹp. Tác giả đã đem tấm lòng đó dâng tặng cho đời với thái độ “lặng lẽ”. Đây là biểu hiện của tấm lòng cao cả, cho đi một cách âm thầm lặng lẽ, cho đi mà không cần nhận lại. Tinh thần cống hiến ấy lại càng sáng, lấp lánh hơn ở hai câu thơ cuối. Biện pháp điệp cấu trúc “Dù là…” kết hợp với “tuổi hai mươi”, “khi tóc bạc” cho ta thấy lí tưởng sống là dâng hiến cuộc đời luôn luôn thường trực trong lòng con người dù ở bất cứ độ tuổi nào. Có lẽ, trong thời kì đất nước còn khó khăn, bất cứ ai cũng muốn góp một phần sức lực của mình vào công cuộc xây dựng quê hương.

“Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế.”

Ở khổ cuối cùng, tác giả đã cất lên điệu hát Nam ai, Nam bình đặc trưng của vùng đất cố đô. Đây là tiếng hát trữ tình, tha thiết nhằm ca ngợi quê hương, đất nước. Tiếng phách tiền gõ nhịp như tô điểm thêm cho tiếng hát vang xa, thúc giục mọi người cùng nhau phát triển “nước non ngàn dặm”.

“Mùa xuân nho nhỏ” là bài thơ hay, thể hiện khát vọng được cống hiến một phần nhỏ công sức của mình cho Tổ quốc. Nhà thơ Thanh Hải đã sử dụng rất nhiều biện pháp tu từ đặc sắc như: điệp cấu trúc, đảo ngữ, hình ảnh đặc sắc, chọn lọc cùng giọng thơ nhẹ nhàng, thân tình để diễn tả niềm mong ước cháy bỏng đó.

Mỗi người đều cần biết góp sức của riêng mình để phát triển và thay đổi xã hội tốt đẹp hơn. Hãy cống hiến “mùa xuân nho nhỏ” của mình cho đất nước giống như tác giả Thanh Hải để “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Bài tham khảo số 8
Bài tham khảo số 8

Bài tham khảo số 8
Bài tham khảo số 8

Bài tham khảo số 2

Chặng đường lịch sử của đất nước qua bốn ngàn năm trường tồn đã trải qua biết bao thăng trầm, với bao nhiêu là “vất vả và gian lao”. So sánh đất nước với vì sao sáng, nhà thơ đã thể hiện niềm tự hào đối với đất nước và dân tộc. Sao là nguồn sáng bất diệt, là vẻ đẹp vĩnh hằng trong không gian và thời gian. Ngôi sao sáng đã trở thành vẻ đẹp lộng lẫy trên lá cờ VIệt Nam, trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp ngời sáng của con người và đất nước Việt Nam. Đất nước vẫn không ngừng phát triển, vẫn “cứ đi lên phía trước” để sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới. Đoạn thơ thể hiện ý chí vươn lên không ngừng của con người và dân tộc Việt Nam.

Trong không khí tưng bừng của đất nước vào xuân, nhà thơ cảm nhận được một mùa xuân tươi trẻ, rạo rực trỗi dậy trong tâm hồn. Đó là mùa xuân của lòng người, mùa xuân của sức sống tươi trẻ, mùa xuân của sự cống hiến và hòa nhập:

Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Nhịp thơ dồn dập và điệp từ “ta làm” diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của nhà thơ. Nhà thơ muốn làm một con chim, muốn làm một nhành hoa thắm trong vườn hoa xuân để dâng tiếng hót tha thiết, để tỏa hương sắc tô điểm cho mùa xuân đất nước. “Nốt trầm” là nốt nhạc tạo nên sự lắng đọng sâu xa trong một bản nhạc. Trong cái không khí tưng bừng của ngày hội mùa xuân, nhà thơ muốn làm một nốt nhạc trầm để góp vào khúc ca xuân của dân tộc một chút vấn vương, xao xuyến. Từ khát vọng hòa nhập, nhà thơ thể hiện rõ hơn khát vọng cống hiến của mình ở những câu thơ tiếp theo:

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

“Mùa xuân nho nhỏ” là cách nói ẩn dụ đầy sáng tạo của nhà thơ. Mỗi con người đều có thể góp một phần công sức của mình như “một mùa xuân nho nhỏ” để tô hương thêm sắc cho quê hương đất nước. “Dâng” là một hành động cống hiến, cho đi mà không đòi hỏi sự đền đáp. Phép đảo ngữ nhằm nhấn mạnh khát vọng cống hiến chân thành của nhà thơ. Nhà thơ muốn góp công sức của mình trong công cuộc xây dựng đất nước nhưng chỉ với một thái độ hết sức khiêm tốn, không khoa trương mà chỉ “lặng lẽ”, âm thầm nhưng lại là toàn tâm toàn ý, như nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định:

“Lẽ nào cho vay mà không trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.”

Điệp từ “dù là” được điệp lại hai lần thể hiện rõ sự tự tin, bất chấp thời gian và tuổi tác của nhà thơ. Qua khổ thơ, nhà thơ đã nhấn mạnh một ý nghĩa hết sức sâu sắc: nhiệm vụ cống hiến xây dựng đất nước là của mọi người và là mãi mãi. Không ai là không có nghĩa vụ xây dựng đất nước, và nghĩa vụ ấy kéo dài cả một đời người, từ tuổi đôi mươi cho đến khi đầu đã điểm bạc theo năm tháng. Đây là lời kêu gọi mọi người cùng chung vai gánh vác công việc xây dựng và phát triển đất nước, để đất nước có thể vững vàng mà tiếp tục “đi lên phía trước”.

Khổ thơ cuối là tiếng hát yêu thương nhà thơ ban tặng cho đất nước và dân tộc, như một sự hiến dâng cuối cùng cho quê hương đất nước:

“Mùa xuân-ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế”

Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, Thanh Hải muốn hát lại hai làn điệu dân ca quen thuộc của quê hương xứ Huế. Có lẽ trong những ngày tháng nằm trên giường bệnh, khi bị tử thần rình rập, nhà thơ lại thấy quê hương của mình đẹp hơn, bản sắc quê hương mình cũng đáng tự hào hơn. Đây cũng là cách để nhà thơ thể hiện tình yêu quê hương, nguồn cội. Đoạn thơ cho ta thấy rõ nhà thơ rất yêu mến quê hương thơ mộng của mình, có lẽ cũng từ đó mà nhà thơ có thể mở rộng tình cảm để yêu mến đất nước, mới có thể cống hiến cả cuộc đời cho nước nhà. Bởi lẽ, chỉ có những người biết yêu thương quê hương xóm làng thì mới có thể mở rộng lòng mình để yêu mến đất nước dân tộc.

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được viết theo thể thơ năm tiếng, với cấu trúc gồm bảy khổ, mỗi khổ từ bốn đến sáu câu. Những hình ảnh ẩn dụ sáng tạo, biện pháp nhân hóa, điệp ngữ và những từ ngữ tượng hình được sử dụng thành công đã tạo nên nét đặc sắc của bài thơ. Qua đó, ta có thể cảm nhận được cái thi vị trong hồn thơ Thanh Hải.

Tình yêu thiên nhiên, sự xúc động trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân cách mạng và khát vọng cống hiến đã được Thanh Hải gửi gắm qua bài thơ “mùa xuân nho nhỏ”. Tuy là tác phẩm được viết không lâu trước khi nhà thơ qua đời nhưng bài thơ vẫn để lại trong lòng bao thế hệ bạn đọc những cảm xúc sâu lắng khó phai mờ. Và, bài thơ vẫn sẽ tiếp tục trường tồn cùng với những bước đi lên của đất nước, gợi nhắc cho những thế hệ trẻ một cách sống đẹp: góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc, để đất nước ta sẽ mãi tươi đẹp như trong tiết xuân. Thế mới biết, cuộc đời của con người thì có hạn nhưng những giá trị tinh thần mà con người để lại cho đời sau là giá trị vĩnh hằng.

Bài tham khảo số 2
Bài tham khảo số 2

Bài tham khảo số 2
Bài tham khảo số 2

Bài tham khảo số 10

Thanh Hải là một nhà cách mạng, một nhà thơ đã dành cả cuộc đời của mình cho cuộc chiến tranh giành lại độc lập của dân tộc. Ngay cả những ngày tháng cuối cùng của đời mình, ông vẫn nuôi một khát khao mãnh liệt được hòa mình vào cuộc đời, được trở thành một mùa xuân nhỏ điểm tô sắc màu vào mùa xuân vĩ đại của đất nước. Tâm niệm cao đẹp ấy của ông được thể hiện rõ nét qua ba khổ thơ cuối của tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” - tác phẩm như một khúc ca rộn rã cuối cùng mà Thanh Hải để lại cho cuộc đời.

Nếu như ở những khổ thơ trước đó, Thanh Hải đã dùng tất cả tình cảm yêu mến của mình để dệt nên những hình ảnh thơ dạt dào cảm xúc về mùa xuân, thì đến khổ thứ 4, tác giả đã chuyển mạch thơ một cách tự nhiên để bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm rất riêng về lẽ sống, về giá trị cuộc đời mỗi người:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến”.

Đoạn thơ như một khúc ca mang giai điệu ngọt ngào đến cho người đọc. Điệp từ “ta làm” được sử dụng như một cách bày tỏ ước nguyện chân thành của thi nhân. Nhà thơ muốn trở thành một con chim nhỏ để cất tiếng hót mua vui cho đời, muốn làm một cành hoa để điểm tô sắc thắm cho mùa xuân của đất mẹ. Những hình ảnh trên đều là những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống. Nếu như ở những đoạn thơ trước, hình ảnh bông hoa, tiếng chim đã hiện hữu trong cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, thì giờ đây, nó được sử dụng để thể hiện lẽ sống cao đẹp của một con người nhỏ bé. Mong muốn sống có ích, mong muốn được góp một phần tinh túy của mình vào mùa xuân của đất nước chính là tâm niệm lớn nhất của nhà thơ, nhà cách mạng này.

Cái “tôi” của thi nhân trong những phần đầu của bài thơ đã chuyển thành cái “ta” chung. Đây chính là cách nhà thơ khẳng định không chỉ riêng mình, mà còn rất nhiều những con người đang thầm lặng cống hiến sức mình cho mùa xuân chung đều có những lẽ sống cao đẹp như thế. Với hình ảnh “nốt trầm” và cách lặp từ “một”, ta có thể thấy những ước nguyện của tác giả thật chân thành và tha thiết. Không ồn ào, không cao giọng, cũng chẳng nổi bật, ông chỉ muốn làm một nốt trầm xao xuyến để góp vào cùng bản hòa ca chung của nhân dân. Đó chính là tâm niệm được đem một phần nhỏ bé của mình để góp vào công cuộc đổi mới của đất nước. Thật cao đẹp và khiêm tốn cho một tâm hồn mang lẽ sống đáng quý.

Đoạn thơ cuối cùng chính là ước nguyện được cống hiến không kể tuổi tác hay bệnh tật:

“Một mùa xuân nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”

“Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo thể hiện cho một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người, mỗi sự cống hiến đều được ví như một mùa xuân nho nhỏ hòa mình vào mùa xuân chung của đất trời, của Tổ Quốc. Chỉ một màu sắc đẹp, chỉ một vẻ tinh túy riêng của mỗi người đã có thể giúp cho mùa xuân của đất nước thêm phần sắc thắm và rạng rỡ. Đó cũng chính là ước nguyện nhỏ bé của nhà thơ, ước nguyện được làm việc, được hi sinh và cống hiến một cách thầm lặng cho quê hương đất nước bất chấp cả thử thách của thời gian, tuổi tác:

“Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”

Hai câu cuối của khổ 5 mang một âm điệu rắn rỏi cùng điệp từ “dù là” đã góp phần khẳng định sự tự tin trước mọi khó khăn, trở ngại của đời người. Tuổi trẻ cống hiến hy sinh, về già cũng có thể tiếp tục âm thầm góp sức nhỏ vào công cuộc chung. Ý thức trách nhiệm đối với cuộc đời, với quê hương đất nước, khát vọng được cống hiến dường như đã trở thành một lẽ sống đi theo tác giả cả một đời thầm lặng.

"Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế"

Nam ai và Nam bình là hai điệu dân ca Huế rất nổi tiếng mấy trăm năm nay. Phách tiền là một nhạc cụ dân tộc để điểm nhịp cho lời ca, tiếng đàn tranh, đàn tam thập lục. Câu thơ “Mùa xuân ta xin hát” diễn tả niềm khao khát bồi hồi của nhà thơ đối với quê hương yêu dấu buổi xuân về. Quê hương đất nước trải dài ngàn dặm, chứa chan tình yêu thương, đó là “ngàn dặm mình”, “ngàn dặm tình” đối với non nước và xứ Huế quê mẹ thân thương! Câu thơ của người con đất Huế quả là “dịu ngọt”. Đây có lẽ cũng là một trong những vẻ đẹp của tác phẩm mà bất kì ai cũng cảm nhận được khi phân tích bài thơ mùa xuân nho nhỏ. Nếu những khổ thơ trên là những suy ngẫm cảm động về ước nguyện dâng hiến thì khổ thơ cuối nhà thơ lại muốn được cất lên tiếng hát thiết tha dựa trên lời ca buồn bã của câu Nam ai Nam bình, Thanh Hải đã chuyển thành một nội dung đằm thắm chất Huế, vừa hòa chung cùng nước non. Nước Nam đổi mới và ta cũng đổi mới. Bài thơ khơi lên là dòng sông là tiếng chim hót vang trời xứ Huế. Kết thúc lại là nước non và tiếng hát tươi vui cả tình yêu nước non ngàn dặm, tình yêu quê hương đất nước.

Như vậy, xuyên suốt bài thơ không chỉ là hình tượng mùa xuân. Từ tiếng chim chiền chiện tượng trưng cho khúc hát của đất trời đến làm một nốt nhạc trầm nhập vào bản hoà ca đất nước, và đến đây là khúc hát tạo ấn tượng một bài ca không dứt. Một bài ca yêu cuộc sống. Bài thơ được nhạc sỹ Trần Hoàn phổ nhạc thành bài hát và trở thành một khúc ca xuân quen thuộc, xúc động, còn mãi với đời.

Bài tham khảo số 10
Bài tham khảo số 10

Bài tham khảo số 10
Bài tham khảo số 10

Bài tham khảo số 6

Mùa xuân là đề tài truyền thống trong thơ ca dân tộc. Thanh Hải đã góp cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa.Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu đất nước, quê hương được Thanh Hải diễn tả một cách sâu sắc, cảm động. Trong đó 3 khổ thơ cuối của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ có những nét đặc sắc về nghệ thuật riêng.

Sau lời suy tư là điều tâm niệm của Thanh Hải. Trước hết là lời nguyện cầu được hóa thân:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

"Con chim hót" để gọi xuân về, đem đến niềm vui cho con người. "Một cành hoa" để tô điểm cuộc sống, làm đẹp thiên nhiên sông núi. "Một nốt trầm" của bản "hòa ca” êm ái để làm xao xuyến lòng người, cổ vũ nhân dân. "Con chim hót", "một cành hoa ", "một nốt trầm...” là ba hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho cái đẹp, niềm vui, cho tài trí của đất nước và con người Việt Nam.

Với Thanh Hải, hóa thân là để hiến dâng, để phục vụ cho một mục đích cao cả:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

Lời thơ tâm tình thiết tha. Mỗi con người hãy trở thành "một mùa xuân nho nhỏ" để làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước. Ai cũng phải có ích cho đời. "Mùa xuân nho nhỏ" là một ẩn dụ đầy sáng tạo khắc sâu ý tưởng: "Mỗi cuộc đời đã hóa núi sông ta" (Nguyễn Khoa Điềm). "Nho nhỏ" và "lặng lẽ" là cách nói khiêm tốn, chân thành. "Dâng cho đời" là lẽ sống đẹp, cao cả. Bởi lẽ "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình " (Tố Hữu). Sống hết mình thủy chung cho đất nước, đem cả cuộc đời mình phục vụ đất nước, cả từ lúc "tuổi hai mươi" trai tráng cho đến khi về già "tóc bạc". Thơ hay là ở cảm xúc chân thành. Thanh Hải đã nói lên những lời gan ruột của mình. Ông đã sống như lời thơ ông tâm tình. Khi đất nước bị Mỹ - Diệm và bè lũ tay sai âm mưu chia cắt làm hai miền, ông hoạt động bí mật trong vùng giặc, gây dựng phong trào cách mạng, coi thường cảnh máu chảy đầu rơi. Cảm động hơn nữa là bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được ông viết ra trên giường bệnh, một tháng trước lúc ông qua đời.

Thanh Hải sử dụng biện pháp nghệ thuật điệp ngữ rất tài tình: "Ta làm... ta làm... ta nhập...", "dù là tuổi... dù là khi... "đã làm cho âm điệu thơ, giọng thơ tha thiết, sâu lắng, ý thơ được khắc sâu và nhấn mạnh. Người đọc xúc động biết bao trước một giọng điệu thơ trữ tình, ấm áp tình đời như vậy. Có thể xem đoạn thơ này là những lời trăng trối của ông.

Khổ thơ cuối là tiếng hát yêu thương:

Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế.

Nam ai và Nam bình là hai điệu dân ca Huế rất nổi tiếng mấy trăm năm nay. Phách tiền là một nhạc cụ dân tộc để điểm nhịp cho lời ca, tiếng đàn tranh, đàn tam thập lục. Câu thơ "Mùa xuân ta xin hát" diễn tả niềm khao khát bồi hồi của nhà thơ đối với quê hương yêu dấu buổi xuân về. Quê hương đất nước trải dài ngàn dặm, chứa chan tình yêu thương. Đó là "ngàn dặm mình", "ngàn dặm tình" đối với non nước và xứ Huế quê mẹ thân thương! Câu thơ của người con đất Huế quả là "dịu ngọt".

Mùa xuân là đề tài truyền thống trong thơ ca dân tộc. Thanh Hải đã góp cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang. Ngôn ngữ thơ trong sáng và biểu cảm, hàm súc và hình tượng. Các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, song hành đối xứng, điệp ngữ... được vận dụng sắc sảo, tài hoa. Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu đất nước, quê hương được Thanh Hải diễn tả một cách sâu sắc, cảm động. Mỗi một cuộc đời hãy là một mùa xuân. Đất nước ta mãi mãi sẽ là những mùa xuân tươi đẹp.

Bài tham khảo số 6
Bài tham khảo số 6

Bài tham khảo số 6
Bài tham khảo số 6

Bài tham khảo số 9

Bài thơ Mùa xuân của Thanh Hải là một trong những đề tài truyền thống trong thơ ca dân tộc về mùa xuân. Tác giả đã tạo ra một bài thơ xuân đẹp, với tình cảm sâu nặng về tình yêu đất nước và quê hương. Bài thơ thể hiện sự trưởng thành của một nhà thơ tài năng, không chỉ vì những hình ảnh mùa xuân đẹp ở Huế được miêu tả mơ màng, mà còn vì niềm đam mê và lòng tận tụy sáng cháy của tác giả. Bài thơ cũng cho thấy sự khác biệt giữa những người mong muốn góp phần vào những thành tựu lớn lao trong cuộc sống và những người muốn dâng hiến cho đời những điều đơn giản và ý nghĩa, điều này được thể hiện rõ ràng nhất trong ba khổ thơ cuối của bài thơ.

Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" được sáng tác vào năm 1980, thời điểm tác giả đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì căn bệnh hiểm nghèo. Thi phẩm này giống như một bản tổng kết, thể hiện khát khao mãnh liệt và cháy bỏng của nhà thơ. Tác giả đã sử dụng mọi giác quan để đón nhận vẻ đẹp của thiên nhiên và đất trời bằng tình yêu thiên nhiên, và từ đó thể hiện niềm tự hào về sự đổi thay của đất nước. Tiếp đó, ở ba khổ thơ cuối, tác giả đã thể hiện ước nguyện cống hiến qua những vần thơ thiết tha và cảm động.

"Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến"

Tác giả đã sử dụng đại từ "ta" kết hợp với cấu trúc ngữ pháp "Ta làm... Ta nhập" để trực tiếp diễn tả khát khao chân thành. Từ "tôi" đã được sử dụng trong khổ thơ đầu tiên "Tôi đưa tay tôi hứng" và đã được chuyển đổi thành "ta" để bộc lộ những ước nguyện đơn giản và chân thành nhất: làm một con chim hót vang, làm cho một cành hoa nở rộ, và làm nốt trầm tạo ra những âm vang đầy cảm xúc. Việc sử dụng đại từ "ta" đã tạo ra sự hài hòa và xóa bỏ ranh giới giữa tác giả và độc giả. Tác giả Thanh Hải đã lặp lại cụm từ "ta làm" hai lần và "ta nhập" để khẳng định sự lựa chọn của mình. Những đối tượng mà tác giả muốn thể hiện như con chim, cành hoa, nốt trầm đều rất nhỏ bé và giản dị, nhưng lại mang ý nghĩa đẹp đẽ đối với cuộc sống của con người. Sắc màu và âm thanh là những yếu tố không thể thiếu để tạo nên cuộc sống rực rỡ và tràn đầy sức sống. Tác giả Thanh Hải đã sử dụng hình ảnh thân thuộc, gần gũi nhằm thể hiện mong muốn khiêm tốn nhưng vô cùng cao đẹp của mình, và tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa cá nhân và cộng đồng. Cuộc sống sẽ trở nên vô vị và buồn tẻ nếu thiếu tiếng hót líu lo của chú chim bé nhỏ, hoặc sắc màu của những nhành hoa, hoặc những giai điệu đầy cảm xúc

"Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc"

Nhà thơ đã chọn "Một mùa xuân nho nhỏ" làm nhan đề cho tác phẩm của mình, và đây là một cách nhấn mạnh ước muốn và khát vọng của tác giả. Trong những năm cuối đời khi đối đầu với bệnh tật, Thanh Hải muốn hóa thân thành "Một mùa xuân nho nhỏ" để góp phần làm đẹp thêm mùa xuân của thiên nhiên và đất nước, với nguyện vọng cống hiến thầm lặng và không ồn ào. Từ "nho nhỏ" và "lặng lẽ" đã nổi bật ý nghĩa của sự cống hiến và hy sinh, và mùa xuân của đất nước được tạo nên từ những mùa xuân bình dị và ý nghĩa như vậy. Cấu trúc câu "Dù là... Dù là..." cùng hai hình ảnh "tuổi hai mươi" và "khi tóc bạc" đã thể hiện sự bền vững theo thời gian của khát vọng cống hiến và hy sinh thầm lặng.

Nhà thơ Thanh Hải có một triết lý sống giản đơn, nhưng đời ông đã để lại những đóng góp ý nghĩa cho cách mạng và những người thân yêu. Sự khẳng định này lại khiến ta cảm động hơn khi triết lý ấy được xác nhận một lần nữa trong những ngày cuối cùng của ông, khi ông sáng tác bài thơ trên giường bệnh, chỉ cách ngày ông qua đời một tháng. Dù là ở tuổi trẻ cháy bỏng hay khi đã già, Thanh Hải luôn cẩn trọng với mùa xuân nho nhỏ của cuộc đời mình để đóng góp vào mùa xuân của đất nước. Triết lý này không chỉ được chứng minh bằng cuộc đời của nhà thơ mà còn được lớp lớp thế hệ truyền lại. Đó chính là lý tưởng sống giản dị nhưng cao đẹp của Thanh Hải. Ngày nay, nhiều người trẻ có thể cảm thấy chán nản và cô đơn trong cuộc sống hiện đại, nhưng hy vọng rằng họ có thể tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn và ý nghĩa của bản thân. Cuối cùng, bài thơ kết thúc bằng những giai điệu dân ca Huế ngọt ngào, trữ tình và đằm thắm:

"Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế"

Trong những năm cuối đời đấu tranh với bệnh tật, nhà thơ đã hát ca vang tiếng những giai điệu dân ca quen thuộc của quê hương. Bản nhạc "Nam ai" buồn đau, gợi nhớ về những năm tháng khó khăn trong lịch sử dân tộc được kết hợp với giai điệu êm ái của "Nam bình", truyền tải tới người đọc cảm giác ấm áp và yên bình hiện tại của đất nước. Ca khúc đã thể hiện tình yêu đối với quê hương và đất nước của nhà thơ. Giai điệu dịu ngọt kết hợp với "nhịp phách tiền" tươi vui, kết thúc bài thơ nhưng vẫn lưu lại âm vang về cuộc sống mới và sự sống của dân tộc, được thể hiện thông qua câu hát: "Nước non ngàn dặm mình - Nước non ngàn dặm tình". Tác phẩm thơ thành công này đã truyền tải thành công lý tưởng cùng khát vọng nhân văn trong tâm hồn nhà thơ thông qua sự kết hợp giữa những câu thơ giàu nhạc điệu, ngắt nhịp linh hoạt và mong muốn sâu sắc. Tác giả đã sử dụng nhiều kỹ thuật nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,... kết hợp với ngôn ngữ và hình ảnh thơ để thể hiện sự chân thành và tiếng lòng đối với thiên nhiên và đất nước.

Ba khổ thơ cuối mang lại cho người đọc cảm nhận về sự tươi đẹp của mùa xuân trong thiên nhiên và suy tư về mùa xuân của đất nước. Ngoài ra, bằng triết lý sống ý nghĩa, bài thơ còn để lại dư âm lắng đọng. Với những câu thơ ngắn gọn, chân thành và sử dụng các biện pháp tu từ như phép điệp và ẩn dụ cùng hình ảnh thơ bình dị, bài thơ gợi lên khát khao được trở thành một mùa xuân khiêm nhường, hòa nhập vào mùa xuân tuyệt vời của đất nước. Bài thơ cũng cho thấy rằng mỗi người chúng ta có thể trở thành một mùa xuân nhỏ bé của đất nước khi chúng ta cố gắng vươn lên và tìm niềm vui và ý nghĩa trong công việc và học tập của mình.

Bài tham khảo số 9
Bài tham khảo số 9

Bài tham khảo số 9
Bài tham khảo số 9

Bài tham khảo số 5

Mùa xuân là khoảng thời gian quen thuộc gợi lên biết bao xúc cảm, rung động trong tâm hồn người nghệ sĩ. Nếu nhà thơ Xuân Diệu cảm thức về mùa xuân trong nhịp sống "Vội vàng" chạy đua từng ngày với dòng thời gian trôi chảy để bắt trọn từng khoảnh khắc, Nguyễn Bính say sưa trong không gian làng quê thân quen "Từng nhà mở cửa đón vui tươi" qua "Thơ xuân" thì Thanh Hải thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân đất trời trong sự gắn bó chặt chẽ với đất nước cùng những ước nguyện cống hiến. Ba khổ thơ cuối của bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" đã thể hiện rõ điều này. Qua những vần thơ tha thiết, ngọt ngào, chúng ta có thể thấy được khát vọng chân thành và lí tưởng sống cao đẹp của nhà thơ.

Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" ra đời vào năm 1980. Đây là quãng thời gian tác giả đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Bởi vậy, thi phẩm giống như một bản tổng kết thể hiện khát khao mãnh liệt, cháy bỏng của nhà thơ. Sau khi vận dụng mọi giác quan để đón nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời bằng tình yêu thiên nhiên, tác giả đã thể hiện niềm tự hào về sự đổi thay của đất nước. Tiếp nối mạch cảm xúc đó, ở ba khổ thơ cuối, tác giả đã thể hiện ước nguyện cống hiến qua những vần thơ thiết tha và cảm động:

"Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến"

Tác giả đã sử dụng đại từ "ta" kết hợp điệp cấu trúc ngữ pháp "Ta làm... Ta nhập" để giãi bày trực tiếp khát vọng chân thành. Cái "tôi" xuất hiện ở khổ thơ thứ nhất "Tôi đưa tay tôi hứng" đã chuyển hóa thành cái "ta" để bộc bạch những ước nguyện hết sức bình dị và giản đơn: làm một con chim cất cao tiếng hót rộn rã góp vui cho đời, làm một cành hoa khoe sắc thắm tô điểm trong bức tranh muôn sắc màu của thiên nhiên, làm nốt trầm tạo nên âm vang "xao xuyến" trong bản hòa ca. Qua hệ thống hình ảnh thân thuộc, gần gũi, chúng ta có thể thấy được mong ước khiêm nhường nhưng hết sức cao đẹp của nhà thơ, đồng thời gợi lên mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng. Điều này đã được thể hiện rõ hơn qua khổ thơ tiếp theo:

"Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc"

Hình ảnh "mùa xuân nho nhỏ" được nhà thơ sử dụng làm nhan đề của tác phẩm xuất hiện trong khổ thơ này đã góp phần nhấn mạnh ước muốn, khát vọng của tác giả. Vào những năm tháng cuối cùng đối chọi với bệnh tật, Thanh Hải xin được hóa thân làm "Một mùa xuân nho nhỏ" để hòa quyện, tô điểm làm đẹp thêm mùa xuân của thiên nhiên đất trời và mùa xuân của đất nước. Các từ "nho nhỏ", "lặng lẽ" đã làm nổi bật nguyện ước cống hiến thầm lặng, tự nguyện, không ồn ào, khoa trương. Đó chính là lí tưởng sống giản dị nhưng hết sức cao đẹp của nhà thơ Thanh Hải. Điệp cấu trúc câu "Dù là... Dù là..." kết hợp với hai hình ảnh mang tính chất tương phản "tuổi hai mươi" - "khi tóc bạc" đã khẳng định sự bền vững theo thời gian, năm tháng của khát vọng cống hiến, hi sinh thầm lặng. Cuối cùng, bài thơ khép lại bằng những giai điệu dân ca xứ Huế ngọt ngào, đằm thắm và trữ tình:

"Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế"

Trong những năm tháng cuối đời đối chọi với bệnh tật, nhà thơ đã cất cao tiếng hát những làn điệu dân ca quen thuộc của quê hương. Khúc nhạc "Nam ai" da diết, buồn thương gợi nhớ về những năm tháng bốn nghìn năm "vất vả và gian lao" quyện hòa cùng giai điệu "Nam bình" dịu ngọt, êm ái gợi cuộc sống ấm no, bình yên hiện tại của đất nước. Khúc hát ngân vang đã thể hiện tình yêu đối với quê hương, đất nước của nhà thơ. Giai điệu dịu ngọt đó hòa cùng "nhịp phách tiền" tươi vui, giòn giã khép lại bài thơ nhưng vẫn để lại những dư âm về cuộc sống mới và sức sống mới của dân tộc bởi sự kết hợp với điệp khúc: "Nước non ngàn dặm mình - Nước non ngàn dặm tình".

Lý tưởng cùng khát vọng nhân văn trong tâm hồn thi sĩ đã được thể hiện thành công thông qua thể thơ năm chữ giàu nhạc điệu, cách ngắt nhịp linh hoạt phù hợp với việc thể hiện những mong ước tha thiết. Tác giả còn vận dụng thành công nhiều biện pháp tu từ nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,... kết hợp với ngôn ngữ, hình ảnh thơ giàu sức gợi để thể hiện dòng cảm xúc chân thành và tiếng lòng của nhà thơ đối với thiên nhiên, đất nước.

Như vậy, sau khi tái hiện vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời và sự đổi thay nhịp sống của quê hương, đất nước trong cuộc sống mới, tác giả đã bày tỏ những ước nguyện của bản thân. Đó là một quan niệm sống tích cực, lấp lánh vẻ đẹp nhân văn của sự cống hiến, hi sinh bình dị và cao đẹp.

Bài tham khảo số 5
Bài tham khảo số 5

Bài tham khảo số 5
Bài tham khảo số 5

Đăng ngày 17/07/2024, 52 lượt xem