1. Tầm quan trọng của công tác quản lý rủi ro trong sản xuất
Trong quá trình doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, không phải lúc nào cũng có thể thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra mà còn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác như: con người, máy móc, thiết bị, vật tư, tài chính,... Như vậy, rủi ro trong sản xuất chính là việc hoạt động sản xuất bị gián đoạn, trì trệ, không thể thực hiện theo đúng thời gian, tiến độ công việc đã đề ra.

Tùy theo đặc điểm sản phẩm, quy mô sản xuất, lĩnh vực hoạt động, tiềm lực tài chính doanh nghiệp mà mỗi doanh nghiệp sẽ đứng trước những rủi ro khác nhau. Ví dụ như ở một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thì quan tâm tới vấn đề bảo quản, ở doanh nghiệp sản xuất nhiệt điện thì quan tâm tới với đề chất đốt,...
Nếu không quản lý tốt rủi ro trong sản xuất, doanh nghiệp sẽ rất có thể phải gặp những thiệt hại liên quan đến sức khỏe nhân viên, thiệt hại về tài chính, số lượng hàng hóa, uy tín với đối tác và nhà phân phối, danh tiếng trên thị trường.
Nhất là đối với các doanh nghiệp lớn, công ty cổ phần có vốn đầu tư từ các cổ đông thì việc quản lý rủi ro trong sản xuất lại càng quan trọng. Bởi lợi ích lúc này không chỉ nằm ở người quản lý mà còn bị chi phối ở nhiều đối tượng khác. Một rủi ro nhỏ cũng có thể dẫn đến các cổ đông rút vốn khiến cho toàn bộ doanh nghiệp điêu đứng, đứng trên bờ vực phá sản.

Trong kinh doanh tài chính và danh tiếng chính là hai yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho doanh nghiệp có thể ổn định và phát triển bền vững. Chính vì vậy, hoạt động quản lý rủi ro trong sản xuất là điều thiết yếu và cần phải thực hiện ở tất cả các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Việc dự đoán được rủi ro giúp cho doanh nghiệp có trước những phương án cụ thể để đối phó với rủi ro đó, giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại không đáng có trong doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp có thể đứng vững trên thị trường.
2. Về công tác quản lý rủi ro trong sản xuất
2.1. Hoạt động xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro trong sản xuất
2.1.1. Xác định rủi ro trong sản xuất
Để xác định được những rủi ro trong sản xuất, các bộ phận liên quan cần dựa vào tình hình thực tại của công ty, những vấn đề mà công ty đang gặp phải, tình thị trường, đối thủ cạnh tranh, luật pháp hoặc những vấn đề công ty đã gặp phải trong quá khứ.

Ví dụ: Dịp tết nguyên đán 2021, doanh nghiệp A chuyên sản xuất bánh kẹo đã có đơn đặt hàng 1.000 sản phẩm. Trong thời gian tới, dự kiến số lượng đặt hàng sẽ tăng lên. Trong khi đó, nguồn nhân lực của doanh nghiệp A chưa thể đáp ứng để hoàn thành số lượng đơn hàng đó. Do đó, doanh nghiệp có thể gặp phải rủi ro không đáp ứng được các hợp đồng với nhà phân phối, điều này gây ảnh hưởng tới uy tín và doanh thu cho doanh nghiệp.
2.1.2. Đánh giá rủi ro trong sản xuất
Người thực hiện lên kế hoạch quản lý rủi ro sẽ phải đánh giá mức độ thiệt hại và khả năng xảy ra của rủi ro này theo các cấp độ. Bởi không phải rủi ro nào cũng giống nhau, có những rủi ro diễn ra với cấp độ nhiều, có những rủi ro lại diễn ra ít hơn, có những rủi ro có thể gây ra thiệt hại lớn, nhưng cũng có rủi ro ít gây ra thiệt hại hơn.
Ví dụ: Vẫn là doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo đã được nêu ở phần (2.1.1). Người lên kế hoạch đã xác định thêm một rủi ro nữa đó chính là doanh nghiệp không có đủ nguyên liệu sản xuất. Nhưng các năm trước chưa từng xảy ra vấn đề này. Do đó, nếu đánh giá rủi ro trên thang điểm 5 thì sẽ như sau: Khả năng xảy ra rủi ro thiếu nguyên liệu ở mức 1, khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp ở mức 5. (Tổng mức đánh giá 1 x 5 = 5)
Còn với thiệt hại từ việc thiếu nguồn nhân lực ở trên, ta có thể đánh giá như sau: Khả năng xảy ra rủi ro thiếu nhân lực là ở mức 3, khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp là ở mức 2. (Tổng mức đánh giá 3 x 2 = 6)

Như vậy, theo đánh giá trên thì doanh nghiệp cần phải quan tâm nhiều hơn với vấn đề rủi ro là thiếu nguồn nhân lực.
2.1.3. Phương án giảm thiểu rủi ro trong sản xuất
Người thực hiện lên kế hoạch có thể đề xuất các phương án để giảm thiểu rủi ro như sau:
Ngăn ngừa rủi ro: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chúng ta có thể lên kế hoạch cụ thể để rủi ro đó không thể xảy ra trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Ví dụ: Nếu rủi ro là thiếu nguồn nhân lực thì doanh nghiệp có thể lên kế hoạch tuyển dụng nhân lực sớm tại các trang nhóm, tuyển dụng nhân lực địa phương, thu hút nhân lực bằng chế độ đãi ngộ tốt hay cho nhân công đăng ký làm việc tăng ca để đảm bảo hiệu suất công việc.
Chuyển rủi ro thành lợi thế: Doanh nghiệp có thể lật ngược những mối nguy hại, rủi ro đó thành lợi thế cho bản thân phát triển. Ví dụ: thay vì sử dụng nhiều nhân lực, đây chính là cơ hội để doanh nghiệp có thể áp dụng máy móc nhiều hơn trong việc sản xuất vừa giúp giảm thiểu rủi ro, vừa tăng năng suất làm việc.

Giảm thiểu tác hại: Với những rủi ro không có cách để phòng tránh hay chuyển đổi thì doanh nghiệp có thể chuẩn bị những phương án sẵn sàng để ứng phó với các rủi ro đó. Ví dụ: Vẫn là vấn đề thiếu nhân lực ở trên, doanh nghiệp có thể giảm thiểu tác hại bằng cách đàm phán với bên mua hàng thời gian giao hàng dài hơn so với ban đầu hoặc cho họ những ưu đãi tốt hơn.
2.2. Thực hiện kế hoạch quản lý rủi ro trong sản xuất
Khi đã xây dựng được phương án quản lý rủi ro trong sản xuất ổn định, việc còn lại đó chính là bám sát, theo dõi hoạt động sản xuất để có phương án xử lý kịp thời, nhanh chóng khi rủi ro xảy ra. Đồng thời, bổ sung và phát hiện sớm những rủi ro không thể dự đoán trước đó để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài chính, danh tiếng và uy tín của doanh nghiệp.
3. Kết luận
Quản lý rủi ro trong sản xuất là vấn đề vô cùng cần thiết đối với tất cả các doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp có thể ngăn ngừa và xử lý hiệu quả những vấn đề không đáng có trong hoạt động sản xuất.

Mỗi doanh nghiệp lại có những rủi ro tiềm ẩn khác nhau. Chính vì thế, doanh nghiệp cần phải linh hoạt trong việc dự đoán các rủi ro của mình dựa theo tình hình thực tế doanh nghiệp, thị trường, đối thủ cạnh tranh và những kinh nghiệm trong thời gian trước.
Các doanh nghiệp có thể tham khảo phần mềm quản lý sản xuấttimviec24h.vn để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Mọi thao tác đều có thể quản lý trên phần mềm vô cùng đơn giản và dễ dàng.
Trên đây là toàn bộ nội dung về quản lý rủi ro trong sản xuất. Mong rằng qua bài viết này, các bạn có thể áp dụng linh hoạt công tác quản lý rủi ro trong sản xuất cho doanh nghiệp của mình. Chúc các bạn thành công!