Bí quyết viết CV

CV quản lý khác gì so với CV nhân viên - Những điều cần lưu ý

1. Sự khác biệt ngay từ hình thức CV

Bạn cần lưu ý rằng vị trí quản lý có sự khác biệt rất lớn so với nhân viên thông thường. Sự khác biệt này đến từ đặc thù công việc, những yêu cầu công việc và những đãi ngộ nhận được. Do vậy, khi bạn ứng tuyển vào một vị trí quản lý nào đó các nhà tuyển dụng đều sẽ lựa chọn rất kỹ lưỡng và quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất. Điều này cũng bao gồm cả chiếc CV của bạn mà thứ đầu tiên nhà tuyển dụng đánh giá chính là hình thức CV.

Hình thức CV cũng không kém phần quan trọng
Hình thức CV cũng không kém phần quan trọng

Trước hết chưa nhìn vào những kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của bạn, yêu cầu của một quản lý giỏi là người đó phải có tính cẩn thận và tỉ mỉ không bỏ qua từng chi tiết nhỏ nhất. Hơn nữa hình thức của một chiếc CV cũng phản ánh thói quen xử lý công việc và phong cách làm việc của bạn có chuyên nghiệp hay không.

Hãy chú ý ngay từ phông chữ, kích cỡ chữ và cách bạn phóng to cũng như in đậm tên các đề mục. Chủ nhân của một chiếc CV ứng tuyển nhân viên thông thường có thể chỉ sử dụng phông chữ được gợi ý sẵn trên các trang web tạo CV online, điền thông tin vào các đề mục mà không hề quan tâm đến việc căn chỉnh các đề mục sao cho thật hợp lý. Nhưng nếu bạn ứng tuyển vào một vị trí quản lý thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác. Bạn sẽ phải lựa chọn phông chữ và căn chỉnh kích cỡ chữ cũng như khoảng cách giữa các đề mục sao cho hợp lý và không để chiếc CV của bạn trông quá khó nhìn hoặc có quá nhiều khoảng trống.

Bên cạnh đó dù là CV quản lý hay CV nhân viên thì cũng không nên để những lỗi chính tả làm bạn mất điểm với nhà tuyển dụng. Hãy tập cho mình thói quen kiểm tra lại lỗi chính tả sau khi điền đầy đủ nội dung các đề mục nhé.

Một điều cần lưu ý nữa là công đoạn chọn ảnh để đưa vào CV. Nếu bạn ứng tuyển cho một vị trí nhân viên thông thường thì không cần quá khắt khe, chỉ cần chọn một chiếc ảnh dễ nhìn và không chứa các yếu tố nhạy cảm là được.

Cẩn trọng ngay từ bước chọn ảnh CV
Cẩn trọng ngay từ bước chọn ảnh CV

Đối với CV quản lý thì khác, hãy tỏ rõ sự chuyên nghiệp ngay từ khi chọn ảnh. Nên chọn những tấm ảnh nghiêm túc với phông nền xanh hoặc trắng, bạn có thể hiểu là một dạng tương tự như ảnh thẻ. Khi chụp ảnh bạn có thể trang điểm nhẹ nhưng đừng khiến bản thân mình trông quá lố và khác xa với thực tế, cũng đừng photoshop quá đà nhé.

2. Sự khác nhau khi viết đôi nét giới thiệu về bản thân

Trong một chiếc CV ứng tuyển nhân viên thông thường, người viết có thể rất qua loa ở mục này, hoặc thậm chí nhiều người còn bỏ luôn mục này đi, bởi họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của mục này trong việc gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Ngay cả CV ứng tuyển nhân viên cũng phải đầu tư rất nhiều
Ngay cả CV ứng tuyển nhân viên cũng phải đầu tư rất nhiều

Ngược lại trong CV ứng tuyển vị trí quản lý thì đây lại là một mục không thể thiếu. Sự khác biệt giữa một quản lý và một nhân viên thông thường nằm ngay ở cách suy nghĩ. Một ứng viên cho vị trí quản lý sẽ tranh thủ PR bản thân mình bằng nhiều phương thức trong đó có mục đôi nét giới thiệu về bản thân. Hãy tự viết bằng ngôn ngữ của bản thân và đừng sao chép những đoạn mẫu xáo rỗng. Nên viết một cách ngắn gọn, súc tích, nêu được những ưu thế của bản thân cũng như những thành tích mà bạn đã đạt được.

Đừng bỏ qua mục giới thiệu bản thân
Đừng bỏ qua mục giới thiệu bản thân

Ví dụ bạn có thể viết như sau:

“Ở công ty trước đây cấp trên thường khen ngợi tôi trong việc quản lý thời gian và sắp xếp công việc một cách hợp lý. Tôi luôn chú trọng đến kết quả và tìm mọi phương án tối ưu nhất để cho ra những kết quả tốt nhất. Với kinh nghiệm hơn 7 năm làm quản lý ở nhiều vị trí, tôi tự tin mình sẽ làm tốt công việc của một người quản lý và đóng góp được nhiều giá trị cho công ty.”

3. Một CV quản lý sẽ tập trung rất nhiều vào kỹ năng chuyên môn

Đúng vậy, khác với một nhân viên thông thường vào công ty để hoàn thiện chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm, một người quản lý giỏi cần phải là một người có kỹ năng chuyên môn tốt và giàu kinh nghiệm. Đây cũng là ưu thế cá nhân của mỗi người quản lý.

Khi đề cập đến kỹ năng chuyên môn hãy tập trung vào những kỹ năng phù hợp với vị trí công việc và những yêu cầu của công ty. Bạn có thể tìm lại xem chi tiết yêu cầu công việc từ phía nhà tuyển dụng và ghi những kỹ năng chuyên môn bám sát theo những yêu cầu đó.

Lưu ý viết ngắn gọn và đủ ý, đừng nêu ra những kỹ năng chung chung hoặc viết quá lan man.

4. Sự khác nhau ở cả mục tiêu nghề nghiệp

Mục tiêu nghề nghiệp là công cụ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng
Mục tiêu nghề nghiệp là công cụ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

Khi ứng tuyển nhân viên, nhiều bạn bỏ qua mục này hoặc không biết ghi mục này như thế nào thành ra chỉ đề cập đến những mục tiêu chung chung như “có mức lương cao” hoặc “học hỏi được nhiều kinh nghiệm”... Điều này không phải là vấn đề quá lớn nếu bạn chỉ làm việc với vai trò một nhân viên bình thường. Tuy nhiên ở cấp quản lý thì mọi chuyện sẽ rẽ sang một hướng khác hoàn toàn. Rõ ràng các nhà tuyển dụng sẽ không chấp nhận một quản lý không có mục tiêu để phấn đấu và không có động lực làm việc. Một quản lý giỏi sẽ biết xác định mục tiêu nghề nghiệp cũng như xây dựng những mục tiêu nhỏ hơn để hướng tới mục tiêu sau cùng.

Khi viết hãy phân biệt rõ mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn để nhà tuyển dụng thấy được bạn có một mục tiêu trong công việc và đề ra cho mình một lộ trình thăng tiến rõ ràng. Bên cạnh đó cũng lưu ý viết mục tiêu nghề nghiệp phù hợp với phương hướng phát triển của công ty hoặc những kỳ vọng của công ty với vị trí ứng tuyển.

5. Sự khác nhau ở kinh nghiệm làm việc

Người quản lý chắc chắn sẽ có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn so với một nhân viên thông thường. Điều bạn cần làm là nhấn mạnh những kinh nghiệm làm việc của bản thân mình. Hãy nêu lên tên công ty và chức vụ mà bạn đã đảm nhiệm trước đây. Trong phần nội dung công việc bạn có thể ghi những công việc phải làm kết hợp với những thành tích mà bạn đã đạt được trong nội dung công việc đó. Hãy viết đúng sự thật và đừng lan man quá nhé.

Kinh nghiệm làm việc là yếu tố quyết định tỷ lệ thành công
Kinh nghiệm làm việc là yếu tố quyết định tỷ lệ thành công

Ví dụ:

“Công ty TNHH ABCXYZ

(06/2017 - 04/2021)
Vị trí: Phó giám đốc kinh doanh

- Chịu trách nhiệm đối với những kế hoạch tiếp thị sản phẩm XXX giúp đem lại doanh thu tăng 17%

- Đề xuất và chỉ đạo việc thực hiện các chiến lược kinh doanh hợp tác với hơn 100 đại lý lớn, đồng thời cung cấp những công cụ cho các nhân viên bán hàng phù hợp với từng vị trí chuyên biệt.”

Với 5 luận điểm trên đây chắc hẳn bạn đã hiểu rõ CV quản lý khác gì so với CV nhân viên thông thường. Hãy ghi chú lại những điều này để tránh những sai sót trong quá trình tạo một chiếc CV cho bản thân mình nhé.

Đăng ngày 14/10/2022, 178 lượt xem